Việc thôi làm hòa giải viên trong trường hợp nào?

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Câu hỏi
Việc thôi làm hòa giải viên trong trường hợp nào?
Trả lời

Điều 11 của Luật hòa giải ở cơ sở quy định hòa giải viên được thôi làm hòa giải viên trong các trường hợp sau đây:

(1) Theo nguyện vọng của hòa giải viên;

(2) Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 của Luật Hòa giải ở cơ sở như: không còn là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở; phẩm chất đạo đức không tốt; không còn uy tín trong cộng đồng dân cư…;

(3) Vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 4 của Luật Hòa giải ở cơ sở như: không tôn trọng sự tự nguyện của các bên; bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở; không khách quan, công bằng, không kịp thời, không có lý, có tình, không giữ bí mật đời tư giữa các bên; lợi dụng việc hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự…; hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật.

+ Thẩm quyền, thủ tục cho thôi làm hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải:

Trường hợp thôi làm hòa giải viên, thì tổ trưởng tổ hòa giải đề nghị Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thôi làm hòa giải viên.

Trường hợp thôi làm hòa giải viên đối với tổ trưởng tổ hòa giải thì Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thôi làm hòa giải viên.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận được đề nghị của tổ trưởng Tổ hòa giải về việc thôi làm hòa giải viên, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố xem xét, xác minh, làm văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thôi làm hòa giải viên.

Đối với trường hợp thôi làm hòa giải viên (do hòa giải viên không còn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của hòa giải viên; hoặc do hòa giải viên vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật), nếu Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không đồng ý với đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không thống nhất được với nhau về đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải, thì Trưởng ban công tác Mặt trận thông báo với tổ trưởng tổ hòa giải, nêu rõ lý do không đồng ý, đồng thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

 Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hoặc báo cáo về việc thôi làm hòa giải viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Trường hợp không đồng ý với đề nghị của tổ trưởng tổ hòa giải về việc thôi làm hòa giải viên, hòa giải viên kiến nghị để Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ dân phố xem xét, giải quyết.

Quyết định thôi làm hòa giải viên được gửi Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Tổng số trong ngày: 1,974
Tổng số trong tuần: 2,586
Tổng số trong tháng: 31,805
Tổng số trong năm: 191,781
Tổng số truy cập: 581,479