Vận dụng quan điểm của mác – lênin, tư tưởng hồ chí minh để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
PGS-TS Thân Minh Quế TUV, Bí thư Đảng uỷ CCQ tỉnh

Dân chủ, tự do, luôn là khát vọng của con người. Quá trình phát triển của lịch sử chính trị nhân loại theo xu hướng tiến bộ chính là quá trình tiến hoá của các nền dân chủ. Dân chủ còn là mục tiêu, động lực của các cuộc cách mạng trong các chế độ xã hội có giai cấp. Chính vì vậy, từ cổ xưa đến nay vấn đề dân chủ luôn là đề tài có rất nhiều người quan tâm, nhưng dân chủ là một khái niệm đa nghĩa phức tạp. Với tư cách là một giá trị xã hội, dân chủ gắn với những quyền cơ bản của con người: tự do, bình đẳng, công bằng… là những giá trị của văn hóa, văn minh nhân loại; là mục đích con người vươn tới và là thước đo đánh giá sự tiến bộ xã hội. Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau về dân chủ. Trong Bài viết này xin nêu một số quan điểm của Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí minh về dân chủ, làm cơ sở để thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở hiện nay.

C.Mác - Người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã nêu ra quan điểm: Dân chủ tức là chính quyền của nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực; dân chủ chính là phương thức thực hiện quyền lực của nhân dân, chế độ nhà nước là để thực hiện dân chủ, nhà nước là của nhân dân. Trong tác phẩm “Góp phần phê pháp triết học pháp quyền” Ông chỉ rõ: “đặc điểm riêng biệt của chế độ dân chủ là: ở đây chế độ nhà nước nói chung chỉ là một yếu tố của sự tồn tại của nhân dân, chế độ chính trị tự bản thân nó, ở đây, không tạo thành nhà nước”[1]. Theo C.Mác: “trong chế độ dân chủ thì bản thân chế độ nhà nước thể hiện ra là một trong những tính quy định, cụ thể là sự tự quy định của nhân dân. Trong chế độ quân chủ, chúng ta có nhân dân của chế độ nhà nước; trong chế độ dân chủ, chúng ta có chế độ nhà nước của nhân dân. Chế độ dân chủ là câu đố đã được giải đáp của mọi hình thức chế độ nhà nước”[2], “trong chế độ dân chủ thì bản thân nhà nước chính trị, dưới hình thức mà nó hình thành bên cạnh nội dung đó và tự phân biệt với nội dung đó, chỉ là nội dung đặc thù của nhân dân, chỉ là hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân thôi”[3]. Nhà nước dân chủ thực sự là nhà nước “ngày càng hướng tới cơ sở hiện thực của nó, tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực, và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân”[4]

Khi phân tích về phép biện chứng, phủ định của phủ định, Ph.Ăngghen viết: "Không thể chối cãi được rằng nhân dân lập ra những người thủ lĩnh là để bảo vệ tự do cho mình chứ không phải là để nô dịch mình, và đó chính là đạo luật cơ bản của mọi pháp quyền nhà nước"[5].

C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh dân chủ phải đi liền với pháp luật, pháp luật tồn tại vì người dân, nhân dân là pháp luật: “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người; ở đây sự tồn tại của con người là luật pháp, trong khi đó thì dưới những hình thức khác của chế độ nhà nước, con người lại là tồn tại được quy định bởi luật pháp. Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”[6].

Dân chủ phải đi liền với tự do, Mác và Ăngghen đã khảo sát và phê phán những nền dân chủ trước đây và cả đương thời, như:Ở thời trung cổ, đời sống nhân dân và đời sống nhà nước là đồng nhất. Ở đây, con người là nguyên tắc hiện thực của nhà nước, nhưng đó là con người không tự do. Vì vậy, đó là chế độ dân chủ của sự không tự do, là sự tha hóa đến mức độ hoàn thiện”[7], hoặc như ở Pháp lúc bấy giờ “Cách mạng Pháp đã đặt cơ sở cho chế độ dân chủ ở châu Âu. Theo quan điểm của tôi, chế độ dân chủ, giống như bất kỳ chính thể nào khác, rốt cuộc cũng là sự mâu thuẫn ở ngay trong bản thân, cũng là sự dối trá, chẳng qua cũng chỉ là sự giả dối”[8], hoặc ở nước Anh “Việc nước Anh không phải là chế độ dân chủ chính thức không thể tạo ra cho chúng ta cái thành kiến đối với những thể chế của nó. Đối với chúng ta, chỉ có tình hình phơi bày khắp nơi trước mắt chúng ta là quan trọng”[9]  hoặc như ở Ba Lan, chế độ dân chủ khi đó cũng là “cái chế độ dân chủ quý tộc đã lỗi thời”[10]. Cũng vì đó các ông đã chỉ ra phải đấu tranh để xây dựng một chế độ dân chủ “Nhưng là một chế độ dân chủ làm sao! Không phải là chế độ dân chủ của Cách mạng Pháp, từng đối lập với chế độ quân chủ và chế độ phong kiến, mà là một chế độ dân chủ hiện đang đối lập với giai cấp tư sản và sở hữu[11].

 C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra sự hình dung có tính nguyên tắc về một chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ gắn với tự do “tự do thực sự và bình đẳng thực sự, tức là chủ nghĩa cộng sản[12]. Sự hình thành những quan điểm tư tưởng về dân chủ gắn liền với cuộc đời hoạt động thực tiễn và lý luận hết sức phong phú của các ông từ trong các phong trào đấu tranh vì dân chủ, dân chủ cách mạng trong thời kỳ vận động quanh co, phức tạp của cách mạng tư sản và sau này là cuộc đấu tranh vì dân chủ giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăngghen, chỉ ra sự cần thiết phải phân biệt giữa chế độ chuyên chế và chế độ dân chủ. Ở đây, C.Mác cho rằng chế độ quân chủ chuyên chế là áp đặt ý chí của nhà nước lên đời sống nhân dân. Ở đó xã hội công dân là một bộ phận của nhà nước, phụ thuộc vào nhà nước. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là chế độ dân chủ được khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân lao động.

Từ những mục tiêu tổng quát như vậy, C.Mác và Ăngghen đã đề ra những nguyên tắc tổ chức và hoạt động cho một chính đảng của giai cấp công nhân. Chính đảng này lấy xây dựng một chế độ dân chủ kiểu mới, lấy những giá trị dân chủ làm mục tiêu phấn đấu và nguyên tắc tổ chức và hoạt động. Trong quá trình sáng lập, lãnh đạo Liên đoàn những người cộng sản – tổ chức chính trị đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới những năm 1847, 1848 và sau này là quá trình sáng lập, lãnh đạo Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I), C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên đặt nền móng trên những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xác định các vấn đề có tính nguyên tắc cho việc xây dựng chính đảng của giai cấp vô sản. Trong các nguyên tắc ấy có nguyên tắc bảo đảm dân chủ: “Mối quan hệ lẫn nhau của tất cả các tổ chức của Liên đoàn được xây dựng trên cơ sở chế độ dân chủ và chế độ tập trung”[13].

Phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin - Vị Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới cho rằng: “Giai cấp vô sản không thể giành được thắng lợi bằng cách nào khác hơn là thông qua chế độ dân chủ, nghĩa là bằng cách thực hiện chế độ dân chủ triệt để và đem những yêu sách dân chủ được đề ra một cách kiên quyết nhất mà gắn liền với từng giai đoạn đấu tranh của họ”[14]. Lênin khẳng định “chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước. Chế độ dân chủ cũng là nhà nước, do đó nhà nước mà mất đi thì chế độ dân chủ cũng mất theo"3, “bất cứ nền dân chủ nào, xét đến cùng, cũng đều phục vụ sản xuất và xét đến cùng, đều do các quan hệ sản xuất trong một xã hội nhất định quyết định”[15]. Cùng với sự phát triển của lịch sử, dân chủ là một phạm trù lịch sử, phát triển từ thấp đến cao, “từ chuyên chế đến dân chủ tư sản; từ dân chủ tư sản đến dân chủ vô sản; từ dân chủ vô sản đến không còn dân chủ nữa”[16], “Cần xây dựng ngay chế độ dân chủ, bắt đầu từ cơ sở, dựa vào sáng kiến của bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước, không có “sự giám sát” từ trên, không có quan lại”, “Dựa vào chế độ dân chủ đã được thực hiện, đồng thời bóc trần tính chất không triệt để của cái chế độ dân chủ đó dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, chúng ta đòi phải lật đổ chủ nghĩa tư bản, tước đoạt giai cấp tư sản, coi đó là cơ sở cần thiết để xóa bỏ tình trạng bần cùng của quần chúng cũng như để thực hiện một cách đầy đủ và toàn diện tất cả mọi cải cách dân chủ”[17]. Trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” Lênin cũng bày tỏ: Chế độ dân chủ là một hình thức, một trong những hình thái của Nhà nước. Dân chủ phải được bảo đảm bằng hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật, “Toàn bộ quyền lực tối cao trong nước phải thuộc về các đại biểu của nhân dân, do nhân dân bầu ra, có thể bị nhân dân bãi chức bất cứ lúc nào”[18]. Theo Lênin, hướng đến chủ nghĩa xã hội là hướng đến nền dân chủ tiến bộ và hoàn thiện. Cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh vì dân chủ, "Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn v.v…, đó là một trong những nhiệm vụ cấu thành của cuộc đấu tranh vì cách mạng xã hội”[19]. Vì thế, “chủ nghĩa xã hội thắng lợi nhất thiết phải thực hiện chế độ dân chủ hoàn toàn”[20]. Và “Không có chế độ dân chủ thì chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được theo hai ý nghĩa sau đây: (1) giai cấp vô sản không thể hoàn thành được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nếu họ không được chuẩn bị cho cuộc cách mạng đó thông qua cuộc đấu tranh cho chế độ dân chủ; (2) chủ nghĩa xã hội chiến thắng sẽ không giữ được thắng lợi của mình và sẽ không dẫn được nhân loại đi đến chỗ thủ tiêu nhà nước, nếu không thực hiện được đầy đủ chế độ dân chủ”[21].

Cơ sở kinh tế của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất. Vì thế dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa với dân chủ trong xã hội tư bản chủ nghĩa khác nhau về chất và về trình độ với tư cách là những xã hội nối tiếp nhau trong nấc thang từ thấp lên cao của xã hội loài người. Chính từ lôgíc đó mà trong tác phẩm “Cách mạng vô sản và tên phải bội Cauxky”, Lênin viết: "Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản nào, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần"[22]. Tư tưởng này hội tụ cả tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc, định hướng cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nhằm xây dựng một xã hội dân chủ văn minh. Dân chủ gắn chặt với chủ nghĩa xã hội, dân chủ không chỉ là mục đích mà còn là phương tiện để thực hiện mục đích: "Giai cấp vô sản, trong cuộc đấu tranh giai cấp của mình, sử dụng tất cả mọi thiết chế và khuynh hướng dân chủ chống giai cấp tư sản nhằm chuẩn bị cho giai cấp vô sản chiến thắng giai cấp tư sản, đánh đổ giai cấp tư sản"[23]

Trong tác phẩm “Làm gì” V.I.Lênin viết: "Người nào mà trên thực tiễn quên rằng những người cộng sản ủng hộ mọi phong trào cách mạng, quên rằng vì thế, chúng ta phải trình bày và nhấn mạnh những nhiệm vụ dân chủ chung trước toàn thể nhân dân và không lúc nào giấu những niềm tin xã hội chủ nghĩa của chúng ta, thì người ấy không phải là người dân chủ - xã hội. Người nào mà trên thực tiễn quên rằng nhiệm vụ của mình phải là người trước tiên đề cập, nêu bật và giải quyết mọi vấn đề dân chủ chung, thì người ấy không phải là người dân chủ - xã hội"[24]Xây dựng chế độ dân chủ đi đôi với việc chống chế độ quan liêu vì quan liêu là trái, là đối lập với dân chủ “Chế độ dân chủ vô sản là chế độ sẽ thi hành ngay lập tức những biện pháp để chặt tận gốc chế độ quan liêu và sẽ có thể thi hành những biện pháp ấy tới cùng, tới chỗ hoàn toàn phá hủy chế độ quan liêu, tới chỗ hoàn toàn xây dựng một chế độ dân chủ cho nhân dân[25]

Theo Lênin, những giá trị dân chủ cần được giai cấp công nhân vận dụng để thực hiện sứ mệnh của mình, mà trước hết là xây dựng một chính đảng của giai cấp công nhân: “Sự cần thiết phải xây dựng đảng cộng sản theo nguyên tắc dân chủ bắt nguồn trước hết từ vai trò quyết định của giai cấp công nhân và quần chúng lao động trong sự sáng tạo lịch sử”. Nguyên tắc dân chủ còn bao hàm việc hình thành các cơ quan lãnh đạo của đảng phải thông qua bầu cử dân chủ trong đảng; quyền bãi miễn các chức vụ do bầu cử lập ra, hệ thống các cơ quan lãnh đạo phải được bầu từ dưới lên trên; quyền quyết định tối cao là quyền của đại hội đảng; các cơ quan lãnh đạo của đảng phải thường xuyên báo cáo công tác trước đảng viên, các đảng viên bình đẳng trước điều lệ đảng.

Từ nghiên cứu những lý luận của C.Mác và Ăngghen và qua thực tiễn cách mạng Nga, kinh nghiệm xây dựng Đảng Bônsêvích, Lênin đã đưa ra học thuyết về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, trong đó khẳng định nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt quan trọng nhất của Đảng là nguyên tắc "tập trung dân chủ". Qua những chỉ dẫn cơ bản của Lênin, các đảng cộng sản kiểu mới trong đó có Đảng ta đã lấy đó làm nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam ta coi “dân chủ” là cái quý nhất trên đời của nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ cũng thống nhất với quan điểm của C.Mác, Ăngghen, Lênin, song trong điều kiện phải lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nên đã có sự kế thừa phát triển kết hợp biện chứng vấn đề dân tộc và dân chủ. Từ quan niệm đúng đắn về dân, Hồ Chí Minh đi đến quan niệm mới về dân chủ. Bằng những mệnh đề giản dị, hàm súc, ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa, Hồ Chí Minh khái quát bằng cách riêng của mình những giá trị văn hoá dân chủ nhân loại từ cổ đại đến hiện đại mà lại rất Việt Nam, cụ thể và thiết thực, nên ai đọc cũng nhận thức được ngay. Người viết: “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ”; “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”; “Bây giờ chúng ta là dân chủ. Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ”; “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ ”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”. “Nhân dân là người chủ nắm chính quyền, nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy thế là dân chủ”.

Có thể coi đây là quan niệm chính thức của Hồ Chí Minh về dân chủ và đó là quan niệm ngắn gọn nhất, phản ánh đúng thực chất và nội dung quan niệm của Người về dân chủ. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ, vấn đề nhất quán và sáng tỏ nhất là sự khẳng định ngay chế độ dân chủ của Nước ta phải thể hiện “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “quyền hành”, “trách nhiệm, lực lượng” là “của dân”, “đều ở nơi dân”. Quan niệm đó cũng chỉ ra phương thức tổ chức, vận hành của xã hội dân chủ là chế độ đại diện, uỷ quyền, trong đó chính quyền và đoàn thể “do dân cử ra và do dân tổ chức nên”.

Điểm cốt lõi, dễ hiểu nhất trong quan niệm về dân chủ ở Nước ta được Hồ Chí Minh chỉ ra là “dân là chủ và dân làm chủ”. Bản chất của vấn đề dân chủ là quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, địa vị của dân là cao nhất, dân là chủ thể của mọi quyền lực. Có thể nói toàn bộ tư tưởng chủ đạo về dân chủ của Hồ Chí Minh nằm trong chữ "Dân".

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân chủ là của cải quý báu nhất của Nhân dân”[26]. Có dân chủ là có tất cả, dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, thực hành dân chủ là “chìa khóa vạn năng” có thể giải quyết mọi khó khăn[27]. Để xây dựng một chế độ dân chủ trong một nước mà hàng ngàn năm dân ta sống dưới chế độ chuyên chế, thường xuyên phải cố kết dân tộc để chống lại các thế lực ngoại xâm mạnh gấp nhiều lần, Hồ Chí Minh đã kết hợp chặt chẽ giữa tư tưởng dân chủ có tính thể chế của phương Tây, tư tưởng dân chủ của Chủ nghĩa Mác - Lênin, dân chủ cộng đồng truyền thống, tư duy “dân là gốc” của ông cha và tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc… Vì vậy tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là dân chủ với tinh thần dân tộc với đoàn kết và đại đoàn kết. Quan điểm này có ý nghĩa phương pháp luận to lớn cho công tác xây dựng đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền tự do dân chủ của tất cả người dân Việt Nam. Trong Hiến pháp 1946, Lời nói đầu khẳng định một trong ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này làĐảm bảo các quyền tự do dân chủ”. Như vậy, ngay từ khi thành lập nước, vấn đề độc lập, tự do, dân chủ, đã trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Trong tác phẩm “Thường thức chính trị” viết năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Trước khi về cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn chúng ta: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Hơn 90 năm qua, từ khi có Đảng, dân tộc ta đã phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ lâu dài đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, đánh đuổi ngoại xâm và bè lũ tay sai, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sau đó là chiến tranh bảo vệ tổ quốc và tiến hành công cuộc đổi mới, cũng là để giành độc lập, đảm bảo quyền tự do dân chủ, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Sở dĩ dân tộc ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, được bạn bè trên thế giới hết sức khâm phục là vì Đảng, Nhà nước ta đã hiểu và xác định rõ: “Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới[28]. Chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng ta hiện nay là thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tầng lớp nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nghiên cứu những nội dung trên chúng ta thấy vấn đề dân chủ trong tư tưởng các nhà kinh điển, từ C.Mác – Ăngghen, Lênin, đến tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta là một hệ các quan điểm có sự thống nhất cao và sự phát triển không ngừng. Tất cả những điều đó cho ta thấy vai trò của thực hành dân chủ ở cơ sở là vô cùng quan trọng, và cũng vì thế những năm gần đây, Đảng, Chính phủ ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện dân chủ ở các cơ quan, đơn vị.

Vận dụng những quan điểm trên để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là điều rất cần thiết, nhất là đối với ban chỉ đạo thực hiện quy chế này ở các cấp các ngành. Đó cũng là tiền đề để xây dựng, củng cố mối đoàn kết gắn bó giữa nhân dân với Đảng, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, đẩy lùi những hạn chế, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở mỗi địa phương, đơn vị hiện nay./.

 

[1] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 349.

[2] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 349.

[3] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 351.

[4] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 349.

[5] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 198.

[6] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 350.

[7] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 353.

[8] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 723

[9] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 885-886

[10] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 435

[11]C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 887

[12] C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 723

[13]  C. Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 42. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 713

[14] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977t. 27, tr. 78

[15] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 42, tr. 345

[16] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 33, tr. 206

[17] V.I. Lênin: Toàn tập, NXB  Tiến bộ, Matxcơva, 1976 t. 27 tr. 79

[18] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 32, tr. 180

[19] V.I.Lênin. Toàn tập. NXB  Tiến bộ, Matxcơva, 1976 Tập 33.. Trang 97.

[20] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 27, tr. 323

[21] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 30, tr. 167

[22] V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 37. NXB  Tiến bộ, Matxcơva, 1978. Trang 312

[23] V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 30. NXB  Tiến bộ, Matxcơva, 1976. Trang 93.

[24] V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 6. NXB  Tiến bộ, Matxcơva, 1976. Trang 106.

[25] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 33, tr. 135

[26] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 249.

[27] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 698.

[28] Chỉ thị số 30- CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

1日当たりのページのアクセス回数: 749
1週間当たりののページのアクセス回数: 1,361
1か月当たりのページのアクセス回数: 30,580
1年間当たりのページのアクセス回数: 190,556
ページのアクセス回数 : 580,254