Vai trò của công đoàn trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Liên đoàn Lao động tỉnh

Theo Luật Công đoàn năm 2012, một trong các quyền, trách nhiệm của Công đoàn là tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... Thực hiện quy định đó, trong thời gian vừa qua, Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, người lao động trong doanh nghiệp. Hiện nay, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang có những chuyển biến tích cực; thu hút đầu tư, công nghiệp, dịch vụ phát triển; đội ngũ công nhân lao động trong tỉnh tiếp tục tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng mọi mặt được nâng lên. Đến nay, tỉnh Bắc Giang có trên 250.000 CNLĐ làm việc trong các doanh nghiệp.

Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” và Nghị quyết số 09b/NQ-BCH ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới, trong những năm qua, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, với những nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, Công đoàn tham gia xây dựng quy chế dân chủ: Liên đoàn Lao động tỉnh đã hướng dẫn công đoàn cơ sở chủ động đề xuất với người sử dụng lao động thành lập ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ; chủ động đề nghị với người sử dụng lao động xây dựng Quy chế dân chủ bảo đảm tuân thủ pháp luật, phù hợp với đặc thù doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Công đoàn tham gia thành viên ban chỉ đạo và chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ. Cụ thể

- Tham gia vào các nội dung về quyền được biết của người lao động tại doanh nghiệp như: Nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động; trả lương, trả thưởng; trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, an toàn vệ sinh lao động; chế độ, chính sách cho người lao động; kết quả các cuộc đối thoại; thực hiện thỏa ước lao động tập thể; các nghị quyết, kết luận của lãnh đạo có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động...

- Tham gia vào các nội dung về quyền tham gia, quyết định, kiểm tra, giám sát của người lao động như: Nghị quyết hội nghị người lao động; quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động và các nội dung khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động cần lấy ý kiến; quyền giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động...

- Tham gia xây dựng nội dung, cách thức tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trên nguyên tắc bình đẳng, thiện chí và hợp tác giữa các bên, đồng thời bám sát quy định của pháp luật.

- Tham gia xây dựng nội dung, hình thức, quy trình tổ chức hội nghị người lao động: Tham gia xây dựng các báo cáo tại hội nghị, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người lao động; tham gia xây dựng chương trình hội nghị; đề xuất tổ chức hội nghị toàn thể hay hội nghị đại biểu CNLĐ.

- Tham gia xây dựng nội dung, cách thức tổ chức các hình thức dân chủ khác như: hộp thư góp ý, thư ngỏ, bản tin, trao đổi trực tiếp, tiếp và đối thoại với người lao động tại doanh nghiệp...

Thứ hai, Công đoàn tham gia thực hiện Quy chế dân chủ: Sau khi tham gia xây dựng quy chế dân chủ tại nơi làm việc, công đoàn cơ sở tham gia tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện Quy chế, bảo đảm các quyền, lợi ích của người lao động về dân chủ theo quy định của pháp luật và theo các nội dung trong Quy chế, cụ thể:

- Tham gia tổ chức thực hiện quyền dân chủ của người lao động: Công đoàn chủ động đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền đến người lao động nội dung Quy chế, kết quả các cuộc đối thoại, hội nghị người lao động, kết quả thực hiện các hình thức dân chủ khác (nếu có). Rà soát các nội quy, quy định tại doanh nghiệp không còn phù hợp với quy định của pháp luật để kiến nghị, đề xuất với người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Giám sát việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp; việc doanh nghiệp thực hiện các nội dung để bảo đảm các quyền được biết, được tham gia, được quyết định, được kiểm tra, giám sát của người lao động.

- Tham gia tổ chức đối thoại tại nơi làm việc: Công đoàn tập hợp ý kiến, đề xuất, kiến nghị của người lao động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động và lựa chọn những nội dung cần đưa ra đối thoại; đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại.

- Tham gia tổ chức hội nghị người lao động: Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị người lao động; tham gia chuẩn bị nội dung hội nghị, chuẩn bị báo cáo về tình hình thực hiện thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, nội quy lao động, an toàn, vệ sinh lao động, điều kiện làm việc; tình hình thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại, Nghị quyết hội nghị người lao động năm trước; kết quả giải quyết các kiến nghị của tập thể lao động sau các cuộc đối thoại; tổng hợp đề xuất, kiến nghị của người lao động; ý kiến góp ý vào các dự thảo quy định, quy chế nội bộ, thỏa ước lao động tập thể. Chủ tịch công đoàn đồng chủ trì cùng chủ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động.

Với sự chỉ đạo sát sao, hướng dẫn cụ thể của LĐLĐ tỉnh, các công đoàn cơ sở doanh nghiệp đã chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng quy chế dân chủ cơ sở, phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, có 507/617 (đạt 82,1%) doanh nghiệp đã xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 504/617 (đạt 81,7%) doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; 515/617 (đạt 83,4%) doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại; 501/617 (đạt 81,2%) doanh nghiệp đã thương lượng, sửa đổi, bổ sung, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tại hội nghị người lao động và các cuộc đối thoại tại nơi làm việc, người lao động được tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động; các ý kiến của người lao động được ban chấp hành công đoàn cơ sở tổng hợp, đề nghị người sử dụng lao động trả lời và giải quyết. Qua đó, đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, hạn chế được tranh chấp lao động trong doanh nghiệp.

Thứ ba, Công đoàn tham gia giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở: Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn đã giúp các doanh nghiệp khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người sử dụng lao động trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Những kết quả đạt được về thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp trong thời gian qua đã khẳng định vai trò của công đoàn trong việc tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp, góp phần tạo sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động trong quá trình lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Để việc tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nói chung và tại các doanh nghiệp nói riêng đạt kết quả cao hơn, trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các CĐCS doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng doanh nghiệp phát triển vững mạnh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, LĐLĐ tỉnh mong muốn Chính phủ sửa đổi Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính lĩnh vực lao động, bổ sung nội dung xử phạt vi phạm hành chính đối với việc doanh nghiệp không thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, không tổ chức hội nghị người lao động, không tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo hướng mở rộng quy định về hành vi vi phạm và tăng mức xử phạt để đảm bảo đủ sức răn đe. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ./.

1日当たりのページのアクセス回数: 829
1週間当たりののページのアクセス回数: 1,441
1か月当たりのページのアクセス回数: 30,660
1年間当たりのページのアクセス回数: 190,636
ページのアクセス回数 : 580,334