Thực trạng, giải pháp việc thực hiện dân chủ trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Sở Tài nguyên và Môi trường

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Thưa hội nghị!

Giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng… Làm tốt công tác GPMB có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, bất đồng, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân.

Bắc Giang năm 2020 có bước đột phá dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế với chỉ số GRDP đạt 13,02% với nhiều các dự án đầu tư trong và ngoài nước đang được thực hiện thì công tác GPMB càng đặc biệt quan trọng. Trung bình trong mỗi năm toàn tỉnh chuyển khoảng 3000 ha đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng mặt bằng sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Nhìn chung, ý thức tự giác của nhân dân khá cao trong chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước vào mục đích quốc phòng, an ninh, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật (như đường giao thông, công trình thủy lợi,...), xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội (như trường học, sân vận động,...). Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn đòi hỏi những chế độ ngoài chính sách quy định như tăng giá đất, giao đất dịch vụ...gây khó khăn cho công tác tổ chức triển khai thực hiện GPMB các dự án.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác GPMB. Trong năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh ban hành 196 Quyết định, tổng diện tích: 3.499,56 ha. Trong đó: Giao đất 116 hồ sơ, diện tích  3.248,35 ha; Thuê đất 73 hồ sơ, diện tích 240,65 ha; Thu hồi đất 07 hồ sơ, diện tích 10,56 ha       

Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua công tác GPMB ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả to lớn, song bên cạnh đó vẫn còn những không ít những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như:

- Theo quy định, một số dự án triển khai theo Luật đầu tư, do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, không thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai, khi có chủ trương đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận, Chủ đầu tư thực hiện thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các hộ dân với giá cao hơn chính sách hiện hành. Mặt khác mức giá bồi thường GPMB đối với đất nông nghiệp tại các thành phố thường cao hơn các huyện, do vậy người dân so bì, đề nghị tăng giá bồi thường GPMB.

Một số dự án có quy mô lớn, thời gian thực hiện thu hồi đất, GPMB bị kéo dài do quy định việc bồi thường đất theo giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất, dẫn đến người dân đòi hỏi tăng giá bồi thường. Mặt khác người dân đòi hỏi giải quyết tiêu chí đất dịch vụ khi bị thu hồi đất nông nghiệp như các dự án thực hiện ở thời điểm năm 2008 được hưởng tiêu chí đất dịch vụ.

- Nhiều địa phương cấp GCN đất nông nghiệp cho hộ gia đình theo hồ sơ giao ruộng năm 1993 và đã chia tách cho các thành viên trong gia đình sử dụng ổn định nhiều năm nhưng không có giấy tờ chia tách. Hiện nay bố mẹ đã chết mà không có di chúc, dẫn đến khó khăn trong việc phân chia tài sản, ủy quyền người đứng tên kê khai, ký hồ sơ, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB các dự án.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện GPMB, một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn gốc đất, tranh chấp quyền sử dụng đất..., nên việc quy chủ, kiểm kê, xây dựng phương án bồi thường rất khó khăn.

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Thưa hội nghị!

Để đáp ứng thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đặc biệt là các dự án lớn Sở Tài nguyên và Môi trường xin chia sẻ một số giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện dân chủ trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh, huyện đến cơ sở trong việc tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, các quy định có liên quan đến giải phóng mặt bằng, đảng viên phải gương mẫu thực hiện và vận động gia đình, nhân dân cùng thực hiện.

Người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về kết quả công tác GPMB của địa phương, đơn vị mình. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là các chi bộ cơ sở xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Các đồng chí trong BTV, cấp uỷ viên các cấp trực tiếp phụ trách địa bàn có trách nhiệm bám sát địa bàn để nắm bắt và có biện pháp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ khi mới phát sinh, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên không gương mẫu trong việc chấp hành quy định pháp luật.

Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB, đưa việc lãnh đạo công tác GPMB vào chương trình công tác hàng năm của cấp ủy và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao.

 

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các đơn vị, tổ chức, cá nhân sai phạm.

Rà soát, xây dựng điều chỉnh kế hoạch GPMB từng dự án cụ thể, trong đó cần xác định rõ mốc thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ theo quy trình GPMB. Có biện pháp xử lý cứng rắn, kiên quyết đối với các trường hợp cố tình cản trở việc tổ chức thực hiện GPMB theo quy định.

3. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai đến mọi tầng lớp nhân dân

Cấp ủy đảng và hệ thống chính trị các cấp phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GPMB. Phát huy vai trò của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và ý thức nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất, GPMB các dự án đầu tư trên địa bàn huyện.

Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy định của tỉnh về quy hoạch, dự án, chính sách đất đai, GPMB, nhất là về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả.

3. Đảm bảo tính dân chủ trong công tác thu hồi đất; bồi thường hỗ trợ tái định cư

Năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang có Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Quy chế quy định việc thực hiện dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai.

Đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; Người sử dụng đất quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 khi Nhà nước thu hồi đất; Chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Về nguyên tắc thực hiện, Quy chế nêu rõ: Bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm quyền của người dân được biết, được tham gia ý kiến để thực hiện và giám sát việc thực hiện; bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh.

Quy chế quy định những nội dung phải công khai trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, gồm: (1)Những quy định của UBND tỉnh có liên quan đến chính sách thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.(2)Văn bản quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc văn bản chấp thuận của HĐND tỉnh về danh mục các dự án, công trình được phép thu hồi đất (trừ trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh). (3)Kế hoạch thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; Thông báo thu hồi đất của cấp có thẩm quyền; giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và giá bồi thường về tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa màu trên đất khi Nhà nước thu hồi.(4) Quy định về tái định cư (đối với những dự án có tái định cư), gồm: quy hoạch, địa điểm, dự kiến đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, giá thu tiền sử dụng đất tái định cư. (5) Dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, gồm: kết quả kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi; kết quả xác nhận nguồn gốc sử dụng đất; số nhân khẩu; giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất; tổng mức bồi thường hỗ trợ đối với từng người sử dụng đất bị thu hồi. (6) Quyết định thu hồi đất; Quyết định kiểm đếm bắt buộc; Quyết định cưỡng chế thực hiện Quyết định kiểm đếm bắt buộc; Quyết định cưỡng chế thực hiện Quyết định thu hồi đất (nếu có); Quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kèm theo phương án chi tiết. (7) Kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Các nội dung được công khai thông qua các hình thức như hội nghị phổ biến, tuyên truyền; trên các phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết công khai tại địa phương nơi cư trú của các đối tượng nêu trên; thông báo bằng văn bản đến từng đối tượng.

Những nội dung người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất được tham gia ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định gồm: (1) Kết quả kiểm kê đất đai, tài sản hoa màu, công trình nhà cửa vật kiến trúc gắn liền với đất thu hồi; kết quả xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng đất, hình thức sử dụng đất. (2) Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. (3) Kế hoạch tái định cư, nguyên tắc, phương thức thực hiện bố trí tái định cư (đối với những dự án có tái định cư).

Đồng thời, người sử dụng đất cũng được tham gia giám sát một số nội dung: Trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng; Việc tổ chức công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định trong việc thực hiện tái định cư (nếu dự án có tái định cư); Việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thời gian qua để đạt được nhưng kết quả như trên Sở Tài nguyên và Môi trường được sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành.  Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành để cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường thúc đẩy Kinh tế - Xã hội địa phương phát triển tương xứng với vị thế của tỉnh. Một số giải pháp có thể thực hiện trong thời gian tới

Thứ nhất: Đối với các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư: Khi có quyết định chủ trương đầu tư, doanh nghiệp làm chủ đầu tư triển khai GPMB thì các hộ có đất đòi hỏi nhiều yêu sách như phải thỏa thuận, tăng giá bồi thường, giao đất dịch vụ, giãn dân, được mua đất bằng giá sàn... Sở sẽ nghiên cứu cơ chế cho phép GPMB, tạo mặt bằng sạch để thực hiện các dự án theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Hai là: Đối với các dự án khi đã thực hiện xong công tác chi trả tiền GPMB, nhưng chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất, Yêu cầu ngay sau khi có “mặt bằng sạch” cho phép nhà đầu tư tiến hành phá vỡ mặt bằng để chống tái lấn chiếm đất nhưng không được lợi dụng để san lấp mặt bằng xây dựng công trình.

Kính thưa các vị đại biểu!

Trên đây là ý kiến tham luận của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Hội thảo của Ban dân vận tỉnh ủy, một lần nữa xin được trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các vị đại biểu.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Total visited in day: 2,263
Total visited in Week: 2,875
Total visited in month: 32,094
Total visited in year: 192,070
Total visited: 581,768