Thực trạng, giải pháp việc thực hiện dân chủ trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Lạng Giang

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Lãnh đạo UBND huyện Lạng Giang

Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng luôn được xác định là vấn đề khó khăn, nhạy cảm và phức tạp, có tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế, xã hội, tới mỗi người dân và cộng đồng dân cư, đòi hỏi phải được giải quyết thỏa đáng, dân chủ và khoa học. Tuy nhiên, với hàng chục dự án được triển khai thực hiện mỗi năm nhưng công tác đền bù, GPMB ở huyện Lạng Giang luôn đạt hiệu quả cao, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong những năm qua, huyện Lạng Giang đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, GPMB cho các dự án trọng điểm đầu tư trên địa bàn như: dự án nâng cấp, cải tạo Sân bay Kép với diện tích 9,4 ha; dự án Mở rộng trụ sở đóng quân của Bộ tư lệnh QĐ 2 với diện tích 6,9 ha; dự án xây dựng khu đô thị mới phía Tây thị trấn Vôi 79 ha, Khu đô thị phía Đông thị trấn Vôi diện tích 57 ha; dự án xây dựng nhà máy nước sạch DNP-Bắc Giang với diện tích hơn 10 ha, dự án cải tạo nâng cấp đường Tỉnh 295, dự án Cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu..., đặc biệt trong các năm 2017, 2018 đã thực hiện bồi thường, GPMB các dự án lớn như: xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với chiều dài hơn 19km, diện tích đất thu hồi hơn 140 ha của gần 3000 hộ gia đình, cá nhân, trong đó có hơn 200 hộ gia đình có đất ở (100 hộ phải tháo dỡ nhà ở và 66 hộ phải bố trí tái định cư với 72 lô đất ở mới); 02 dự án đường đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - Chuyển giao (BT) gồm: Đường trục Vôi - Xương Lâm, với diện tích thu hồi 11,6 ha của 291 hộ gia đình; đường trục Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa - Khu trung tâm thị trấn Kép mở rộng, với diện tích thu hồi 9,8ha; 02 dự án đường huyện gồm: tuyến Nghĩa Hưng - Tiên Lục - Dương Đức có tổng chiều dài tuyến hơn 10,8km, diện tích thu hồi 24,7 ha, của 1083 hộ gia đình; tuyến Vôi - Phi Mô - Mỹ Thái có chiều dài tuyến 4km, với tổng diện tích thu hồi 11,3 ha, của 320 hộ gia đình, cá nhân. Các dự án có mục đích công nghiệp như: Dự án Cụm công nghiệp Hương Sơn, diện tích 65 ha, Cụm công nghiệp Tân Hưng, diện tích 50 ha...

Có được kết quả trên là có sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chính quyền tích cực triển khai thực hiện, các đoàn thể tích cực vận động nhân dân thực hiện. Sự ủng hộ đồng thuận của người dân; sự tập trung, phối hợp của cơ quan chuyên môn và việc thực hiện các phương án được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ và đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian triển khai thực hiện các dự án, dù lớn hay nhỏ, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các phòng ban, đoàn thể của huyện đều nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, công tác vận động thuyết phục nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, bồi thường GPMB khi Nhà nước thu hồi đất. Nhiều dự án, huyện đã thành lập các đoàn công tác do Thường trực Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy làm trưởng đoàn xuống các hộ để tuyên truyền vận động, huyện phải chia nhỏ đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền vận động theo phương châm: dễ, ít làm trước; gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước... Thường trực Huyện ủy, UBND huyện huyện cũng đã dành nhiều thời gian xuống các xã, thị trấn nắm bắt tình hình, trực tiếp gặp gỡ lắng nghe ý kiến của nhân dân, đối thoại nhiều lần với nhân dân nhằm giải quyết kịp thời, thấu tình, đạt lý các kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng bởi các công trình, dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng đã và đang gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu:

- Chính sách, pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường xuyên có sự thay đổi, gây tâm lý trông chờ, so bì trong nhân dân. Chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề chủ yếu thực hiện việc chi trả bằng tiền, chưa có giải pháp cụ thể để ổn định đời sống, chuyển đổi nghề, nhất là các hộ bị thu hồi hết đất nông nghiệp.

- Việc giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, quản lý đất đai thiếu chặt chẽ; diện tích đất thực tế chênh lệch nhiều so với diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng; tình trạng vi phạm quy hoạch xây dựng chưa được ngăn chặn kịp thời và giải quyết triệt để...

- Hồ sơ địa chính ở một số xã thiếu đồng bộ, không cập nhật chỉnh lý biến động thường xuyên gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để tính toán bồi thường, hỗ trợ;

- Việc xác định chủ sử dụng đất, loại hình sử dụng đất ở một số địa bàn gặp nhiều khó khăn nhất là những khu vực thực hiện dồn điền đổi thửa nhưng chưa được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc xác định đất công ích gặp nhiều khó khăn do cấp xã chưa thống kê, quản lý theo quy định của pháp luật.

- Một số hộ dân có đất bị thu hồi đề nghị thu hồi hết phần diện tích còn lại, còn lợi dụng những kẽ hở trong các quy định của pháp luật để nhằm trục lợi, gây không ít khó khăn cho công tác GPMB. Một bộ phận nhân dân chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật, còn cố tình dây dưa kéo dài đòi hỏi chế độ gây khó khăn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

- Việc xác định diện tích đất ở thu hồi trong thửa đất có đất ở và đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở gặp nhiều khó khăn, do trước đây giấy chứng nhận cấp chung một thửa mà không xác định ranh giới giữa đất ở và các loại đất khác.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng tại cấp xã còn buông lỏng, chưa xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng, xây dựng trái phép nên khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường, dẫn đến việc không chấp hành bàn giao mặt bằng. Các cấp thẩm quyền còn thiếu kiên quyết trong việc xử lý một số trường hợp cố tình dây dưa, chây ỳ không bàn giao mặt bằng.

Trong thời gian tới còn nhiều dự án trọng điểm đầu tư vào địa bàn như các dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp với quy mô hàng trục, hàng trăm ha đất,... đặc biệt là các dự án trọng điểm của huyện đã được xác định trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2020-2025 như: Tuyến đường trục kết nối Trung tâm thị trấn Kép mở rộng đi Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa, tuyến đường trục kết nối từ khu đô thị phía Tây, thị trấn Vôi với đường tỉnh 295, tuyến đường từ QL1A đi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn nút giao QL37), tuyến đường huyện đoạn từ QL1A-QL37 đi đườngVành đai thành phố Bắc Giang.

Để triển khai thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB thu hồi đất trên địa bàn trong thời gian tới, huyện Lạng Giang chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

- Thứ nhất: Để làm tốt công tác bồi thường, GPMB điều quan trọng là phải đảm bảo về năng lực tài chính trước khi thực hiện dự án. Công tác bồi thường, GPMB phải được triển khai thực hiện đúng theo đúng các trình tự, thủ tục, phải công khai, minh bạch, áp dụng đúng, đủ các chế độ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước. Trong quá trình triển khai luôn phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị thực hiện, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân về việc bồi thường, GPMB. Trả đúng, đủ, kịp thời các khoản đền bù, hỗ trợ, tạo sự đồng thuận của người dân. Nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách. Nguồn gốc đất đai cần được điều tra làm rõ, xác định đúng và hết sức dân chủ và đúng pháp luật.

- Thứ hai: Người làm công tác bồi thường, GPMB cần phải có năng lực, trình độ, được trang bị đầy đủ kiến thức, am hiểu các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước để giải đáp các ý kiến thắc mắc của người dân và đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc khi thực hiện dự án. Trong đó, việc kiểm đếm và lập phương án đền bù chính xác, bố trí tái định cư sớm và kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân là những vấn đề then chốt quyết định đến sự thắng lợi của công tác GPMB. 

- Thứ ba: UBND cấp xã phải thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở tuyên truyền về mục đích của dự án, về công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, vận động người có đất Nhà nước thu hồi chấp hành chính sách bồi thường, GPMB; tập trung xác định các thông tin về: nguồn gốc sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, loại đất, thời điểm sử dụng đất, thời điểm tạo lập tài sản trên đất của người có đất Nhà nước thu hồi và các thông tin về đối tượng chính sách.

- Thứ tư: Khi có vướng mắc cần tập trung vận động, tuyên truyền, tổ chức đối thoại để giải thích làm rõ những kiến nghị của nhân dân để từ đó mọi người hiểu và tự giác chấp hành. Công tác vận động cần kiên trì, chia nhỏ đến từng gia đình, từng con người cụ thể và gắn trách nhiệm với từng tổ chức, cá nhân theo phương châm: dễ, ít làm trước; gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước./.

Total visited in day: 1,934
Total visited in Week: 2,546
Total visited in month: 31,765
Total visited in year: 191,741
Total visited: 581,439