Thực hành dân chủ ở cơ sở là điều kiện để xây dựng thành công NTM, xây dựng NTM bảo đảm thực hành dân chủ hiệu quả

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt. Theo đó, thực hiện dân chủ ở cơ sở để người dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát là rất quan trọng.

 

Dân chủ ở cơ sở và thực hành dân chủ ở cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, thực hành dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của người dân và cộng đồng vào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thực hành dân chủ ở cơ sở cần được cụ thể hóa ở mỗi cấp, cho từng chủ thể gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. 

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội) là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước ta; tác động mạnh mẽ đến xã hội, làm thay đổi nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thay đổi xã hội nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, độ chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; là điều kiện quan trọng để thực hành dân chủ trong toàn xã hội.

Thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM là một nội dung kép, gồm thực hành dân chủ ở cơ sở và xây dựng NTM. Nội dung của thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM là bảo đảm quyền, nghĩa vụ làm chủ của người dân gắn liền với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời, gắn với việc thực hiện các nhóm tiêu chí trong xây dựng NTM, cụ thể là:

Một là, người dân phải được thực hiện quyền “dân biết, dân bàn” đối với nội dung, tiêu chí trong xây dựng NTM.

Cần công khai để Nhân dân bàn và quyết định (Điều 15 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022): 1) Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức. 2) Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác. 3) Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng...

Hai là, Nhân dân được quyền tham gia ý kiến.

Cần công khai để Nhân dân tham gia ý kiến (Điều 25 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022): 1) Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành, nghề của cấp xã. 2) Chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án di dân, tái định canh, định cư đối với việc quyết định đầu tư công dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án... 3) Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có).

Ba là, người dân phải được thực hiện quyền “kiểm tra, giám sát” đối với nội dung, tiêu chí xây dựng NTM.

Kiểm tra, giám sát cần được thực hiện từ khâu đầu đến khâu cuối quá trình xây dựng NTM, bảo đảm thực hành dân chủ trong việc công khai, bàn bạc quyết định công việc, nội dung, kế hoạch và thực hiện. Người dân tham gia vào kiểm tra, đánh giá hiệu quả, chất lượng những nội dung trong xây dựng NTM...

Bên cạnh đó, người dân phải được thực hiện quyền “thụ hưởng” đối với nội dung, tiêu chí trong xây dựng NTM. Thụ hưởng từ hiệu quả của việc thực thi những chính sách, chủ trương trong xây dựng NTM; được thụ hưởng cơ sở vật chất hiện đại từ thành quả của quá trình xây dựng NTM...

Để nâng cao chất lượng dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở nhằm nâng cao chất lượng thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nâng cao trình độ dân trí, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hiệu quả các phương tiện truyền thông và công nghệ thông tin trong thực hành dân chủ ở cơ sở xây dựng NTM.

Thực hành dân chủ ở cơ sở là điều kiện để xây dựng thành công NTM; đồng thời, xây dựng NTM bảo đảm cho thực hành dân chủ ở cơ sở được triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế./.

Theo tcnn.vn

Total visited in day: 2,319
Total visited in Week: 2,931
Total visited in month: 32,150
Total visited in year: 192,126
Total visited: 581,824