Thuận lợi, khó khăn và giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng bộ Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Phạm Ngọc Thảo - Trưởng Ban Tuyên giáo ĐU, Chủ tịch Công đoàn Công ty

Đảng bộ Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là đảng bộ doanh nghiệp, trực thuộc Đảng bộ tỉnh Bắc Giang; hiện tại Đảng bộ có 26 tổ chức cơ sở đảng; trong đó 06 đảng bộ và 20 chi bộ cơ sở trực thuộc. Tổng số cán bộ, công nhân viên là 1234 người; trong đó đảng viên 624 đồng chí, chiếm hơn 50%. Từ 01/01/2016 đến nay, Công ty hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Các tổ chức đoàn thể của Công ty gồm Công đoàn trực thuộc Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; Đoàn  thanh niên và Hội Cựu chiến binh trực thuộc Tỉnh đoàn và Hội CCB tỉnh Bắc Giang.

Thuận lợi lớn nhất đối với Công ty trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC) là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo QCDC tỉnh và truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ, đảng viên và người lao động. Bên cạnh đó thì khó khăn lớn nhất trong những năm gần đây là tình hình SXKD của Công ty không hiệu quả do nhiều nguyên nhân đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống việc làm, tiền lương, thu nhập và nhất là ảnh hưởng tới tư tưởng người lao động.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở nói chung, thực hiện QCDC tại nơi làm việc trong doanh nghiệp nói riêng nhằm mục tiêu quan trọng là bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tất cả vì mục tiêu chung là xây dựng khối đoàn kết nhất trí, sự đồng thuận vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì đời sống, việc làm của người lao động. Với nhận thức đó, trong những năm qua việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện QCDC tại nơi làm việc được Đảng ủy, Hội đồng quản trị và Ban điều hành, các tổ chức đoàn thể chính trị  - xã hội của Công ty xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả và thường xuyên theo tinh thần của Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Nghị định 149/2018/NĐ-CP và nay là Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ. Phát huy dân chủ để người lao động được nói lên tâm tư nguyện vọng, được nêu những ý kiến đề xuất trong công việc, trong sinh hoạt hội họp và cả trong đời sống hàng ngày chính là cơ sở, là tiền đề để xây dựng lòng tin, sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận trong tập thể cán bộ, đảng viên và người lao động.

Thực hiện Nghị định của Chính phủ và căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo QCDC tỉnh, Đảng ủy Công ty thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tập trung lãnh đạo xây dựng và thực hiện QCDC cả về mặt tổ chức và hướng dẫn hoạt động. Về tổ chức, Đảng ủy thường xuyên chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo QCDC ở các cấp, từ Công ty tới các đơn vị thành viên. Thành phần tham gia ban chỉ đạo các cấp gồm đại diện cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội, các phòng ban tham mưu và do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban. Đối với Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC Công ty hiện nay có 9 thành viên, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Công ty làm Trưởng ban (02 Phó Trưởng ban cơ cấu là đồng chí Trưởng Ban tuyên giáo Đảng uỷ, Chủ tịch Công đoàn Công ty và đồng chí Phó Tổng Giám đốc Công ty. Ở cơ sở, 26/26 chi, đảng bộ cơ sở đều thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC tại nơi làm việc do đồng chí bí thư chi, đảng bộ làm trưởng ban.

Về hoạt động, Đảng ủy Công ty chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, nhất là tổ chức Công đoàn trong việc quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ (trước đây là Nghị định số 149/2018/NĐ-CP) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động… Tổng Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã phối hợp chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (Quyết định số 272/QĐ-ĐHB) và Quy chế đối thoại tại nơi làm việc (Quyết định số 273/QĐ-ĐHB). Căn cứ quy chế, định kỳ Tổng Giám đốc và thủ trưởng các đơn vị phải công khai các quy định liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cụ thể như:

- Công khai kế hoạch và kết quả SXKD hàng tháng, quý, năm của Công ty.

- Công khai Thỏa ước LĐTT, nội quy lao động, hệ thống thang bảng lương, các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp đến người lao động..; các quy chế quản lý nội bộ và các nội quy, quy định của Công ty. 

- Công khai việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; việc trích lập, sử dụng các quỹ liên quan đến người lao động theo quy định của pháp luật.

- Công khai về tình hình thực hiện thi đua khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại tố cáo….

Sau Đại hội đồng cổ đông Công ty hàng năm, Tổng Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn Công ty phối hợp xây dựng và ban hành Kế hoạch chỉ đạo tổ chức Hội nghị Người lao động theo tinh thần Nghị định Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ. Thông qua các diễn đàn này, người lao động được phát huy dân chủ, bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến trong việc xây dựng Thoả ước Lao động tập thể, Nội quy lao động; Tổng giám đốc trực tiếp lắng nghe, tiếp thu, giải đáp thỏa đáng những ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý, hài hòa lợi ích thiết thực giữa người lao động và doanh nghiệp.

Ban Chấp hành Công đoàn Công ty và Tổng Giám đốc tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng một lần hoặc đối thoại đột xuất khi có vụ việc. Hàng tháng, lãnh đạo Công ty tổ chức tiếp người lao động để kịp thời lắng nghe, tiếp thu và giải quyết ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của người lao động. Ngoài ra Công ty tổ chức hội nghị giao ban hàng tuần, tổ chức sơ kết hàng quý và tổng kết năm. Tại các diễn đàn này, ý kiến về hoạt động công tác đảng, hoạt động đoàn thể, tình hình SX-KD được thông tin phản ánh hai chiều và có kết luận được thông báo bằng văn bản phổ biến rộng rãi tới cán bộ, đảng viên và người lao động.

Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong Công ty cũng đã phát huy vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, hội viên. Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh Công ty đã xây dựng chương trình phối hợp triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở; triển khai và tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Quan tâm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người lao động gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế của Công ty; tổ chức các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, các phong trào văn hóa, thể thao, xây dựng văn hóa doanh nghiệp … Thường xuyên giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở; đặc biệt là những nội dung phải công khai theo quy chế cũng như việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động như việc thực hiện chế độ tiền lương, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, việc thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN,… và các chế độ chính sách khác đối với người lao động.

Bên cạnh việc tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở theo nội dung chương trình, kế hoạch công tác đề ra; Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở Công ty thường xuyên quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 đã tiến hành gần 10 cuộc kiểm tra đối với các cấp ủy, đơn vị trực thuộc. Kết quả kiểm tra các cấp ủy, đơn vị đều chỉ đạo xây dựng và thực hiện nghiêm túc các nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; không có biểu hiện mất dân chủ, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, không có tranh chấp lao động, không có vi phạm về quản lý kinh tế,...

Trong thời gian gần đây, mặc dù tình hình SXKD của Công ty gặp rất nhiều khó khăn; tuy nhiên, do làm tốt việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, cùng với chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, sự quản lý điều hành quyết liệt của HĐQT, Ban điều hành nên hoạt động SXKD của Công ty đã có những tín hiệu tích cực; việc làm, tiền lương và thu nhập của người lao động được đảm bảo, từng bước được cải thiện. Đại đa số người lao động vẫn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy Công ty, trong khó khăn, người lao động vẫn luôn đồng hành, chia sẻ, nỗ lực vượt khó. Những năm gần đây, mặc dù còn khó khăn về SXKD, về đời sống, thu nhập song tập thể CBCNV vẫn luôn tin tưởng, đoàn kết, nỗ lực đồng hành, chia sẻ với những khó khăn chung; vẫn vững tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban điều hành; tích cực đấu tranh với những hành vi sai trái, tiêu cực; tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội. Nhiều năm qua Công ty không có vụ việc nổi cộm phát sinh, không để xảy ra tranh chấp lao động, đình công, lãn công; không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

Với những kết quả đã làm được của Đảng bộ Công ty trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, kết quả là chưa nhiều và rất khiêm tốn, những việc mà Đảng bộ Công ty đã làm thì các đơn vị doanh nghiệp khác cũng đã và đang làm, chỉ xin nêu một số vấn đề có hiệu quả trong quá trình chỉ đạo thực hiện trao đổi với hội nghị:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp cần phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, nghiêm túc trong việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung; đặc biệt là các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến doanh nghiệp và người lao động như Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức chính trị- xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải đảm bảo phát huy dân chủ và gương mẫu thực hành dân chủ trong tổ chức, trong công tác, sinh hoạt, hội họp; thường xuyên sâu sát cơ sở để lắng nghe, tiếp thu tiếng nói của người lao động; chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết những bức xúc, vụ việc ngay từ lúc mới phát sinh.

Thứ hai, tập trung lãnh đạo đẩy mạnh SXKD, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, chăm lo đời sống cho người lao động; thực hiện việc công khai hoá những vấn đề cán bộ, đảng viên, người lao động được biết, được bàn và kiểm tra, giám sát theo quy định; tôn trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên, người lao động; ngăn chặn tình trạng quan liêu, độc đoán, tham nhũng, lãng phí; phát huy dân chủ gắn với kỷ cương pháp luật, xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý đối với những trường hợp lợi dụng dân chủ gây rối, mất ổn định về an ninh, trật tự.

Thứ ba, tăng cường vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt là vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung QCDC ở cơ sở của Công ty cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là những quy định về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phù hợp với đặc thù doanh nghiệp.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp trong Công ty, kịp thời kiện toàn khi có biến động. Chú trọng việc tham mưu có chất lượng cho cấp ủy lãnh đạo triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở theo nội dung chương trình, kế hoạch công tác đề ra, việc thực hiện QCDC ở từng đơn vị phải bảo đảm thực chất và hiệu quả, chủ động giải quyết các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, ngay từ lúc manh nha.

 Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở và xây dựng đội ngũ cán bộ; phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng, đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật và đề cao trách nhiệm xã hội, ý thức công dân của cán bộ, đảng viên, người lao động./.

Total visited in day: 1,722
Total visited in Week: 2,334
Total visited in month: 31,553
Total visited in year: 191,529
Total visited: 581,227