Thuận lợi, khó khăn trong tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ huyện Yên Thế

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Yên Thế

Kính thưa toàn thể Hội nghị!

Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một vấn đề, nhiệm vụ rất quan trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để nâng cao chất lượng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thì hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp có vai trò hết sức quan trọng trong hướng dẫn, triển khai, thực hiện đối với từng nhiệm vụ cụ thể sát thực, phù hợp, đảm bảo các quy định, công khai, dân chủ. Dự hội thảo về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, được Ban tổ chức Hội nghị nhất trí, tôi xin phát biểu về nội dung: Thuận lợi, khó khăn trong tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ huyện.

Trong những năm qua Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện Yên Thế đã quan tâm triển khai, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Trong quá trình triển khai thực hiện có những thuận lợi và khó khăn sau:

1. Về thuận lợi

- Thời gian qua, Trung ương, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo từng loại hình cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn như: Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII), Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh số 34-PL/UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XI, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, nghị định số 149/2018/NĐ-CP, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Công văn số 176-CV/TU ngày 15/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…

- Huyện ủy Yên Thế đã cụ thể hoá và ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện như: Đề án số 01- ĐA/HU, ngày 10/11/2015 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ trên địa bàn huyện"; trong 5 năm đã ban hành 12 kế hoạch, 08 hướng dẫn và 19 công văn chỉ đạo việc thực hiện. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tổ chức hội nghị sơ kết 03 năm (năm 2018) và tổng kết 5 năm (năm 2020) thực hiện Đề án số 01- ĐA/HU, tại hội nghị đã biểu dương khen thưởng cho 45 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của huyện, hiện nay Ban Chỉ đạo huyện gồm 12 đồng chí; chỉ đạo 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện phân công 1-3 đồng chí trong cấp uỷ chi, đảng bộ theo dõi việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, đơn vị (trong đó có đồng chí thủ trưởng cơ quan, đơn vị). Hằng năm, Ban Chỉ đạo đều xây dựng hướng dẫn thi đua, chương trình công tác năm, kế hoạch kiểm tra năm triển khai, hướng dẫn các chi, đảng bộ toàn huyện thực hiện; 6 tháng, 01 năm tổ chức sơ, tổng kết, kiểm điểm kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo. Phối hợp với Trung tâm chính trị huyện tổ chức 05 lớp tập huấn cho 600 lượt thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cấp huyện, các xã, thị trấn và Bí thư các chi, đảng bộ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; phối hợp với Uỷ ban MTTQ, Phòng Tài chính & Kế hoạch huyện tổ chức 05 hội nghị tập huấn cho 500 lượt thành viên Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tham dự; kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ của Ban Chỉ đạo 19/19 xã, thị trấn, 42 cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

- Hoạt động của Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở đã được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nhận thức về dân chủ và thực hiện Quy chế dân chủ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã có những chuyển biến tích cực. Quản lý điều hành của UBND đã được quan tâm thực hiện theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân, công khai, minh bạch, tôn trọng và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động tham gia, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện và phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội.

- Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện đã được tiến hành sâu rộng, dần đi vào nền nếp, chất lượng. Trong 5 năm qua, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tổ chức thực hiện giải thể và sáp nhập 04 đơn vị hành chính cấp xã, 30 thôn, bản, 16 trường học và nhập 6 đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện; đóng góp 286 tỷ đồng, cứng hóa được 699 km đường giao thông nông thôn; đóng góp trên 42 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng 158 nhà văn hóa; xây dựng trên 186 công trình, dự án trên địa bàn; 197 thôn, bản, tổ dân phố thường xuyên bổ sung, thực hiện tốt quy ước, hương ước; hiệp thương, lựa chọn, bầu trưởng thôn, bản, tổ dân phố, bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đảm bảo dân chủ công khai...

2. Về khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện còn gặp những khó khăn sau:

- Các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của trung ương tương đối đầy đủ theo các loại hình, tuy nhiên có văn bản hướng dẫn thay đổi liên tục, văn bản trước chưa được 03 năm đã có văn bản sau thay thế nên khó khăn cho quá trình triển khai, nghiên cứu và thực hiện như: Văn bản hướng dẫn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, từ năm 2013 đến năm 2020 Chính Phủ có 03 nghị định hướng dẫn thực hiện (Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, Nghị định 149/2018/NĐ-CP, Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

- Hằng năm, Ban Chỉ đạo tỉnh đều có hướng dẫn thi đua, kế hoạch kiểm tra, giám sát, chương trình công tác năm và các công văn hướng dẫn thực hiện, tuy nhiên trong 05 năm qua không có văn bản chỉ đạo chuyên đề cụ thể của Tỉnh uỷ hoặc Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nên khi triển khai thực hiện còn lúng túng dẫn đến chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Văn bản hướng dẫn thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn chưa có sự đồng nhất về số lượng, thành phần tham gia ngay từ đầu, thường xuyên có sự thay đổi nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện của huyện và cơ sở.

- Thành viên tham gia Ban Chỉ đạo các cấp đều là kiêm nhiệm và là thủ trưởng các cơ quan nên thời gian dành cho hoạt động của Ban Chỉ đạo còn ít. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo huyện là Ban Dân vận Huyện uỷ chỉ có 03 người (nhưng trong đó đồng chí Trưởng Ban đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ) nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu thực hiện.

- Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Ban Chỉ đạo cấp huyện khó khăn, Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn không có nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo như: Tổ chức sơ, tổng kết, thi đua khen thưởng, tập huấn, văn phòng phẩm, in  văn bản, tài liệu...

- Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có rất nhiều điển hình tập thể, cá nhân thực hiện tốt góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như dân chủ trong đóng góp vốn đối ứng làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá, xây dựng nông thôn mới... tuy nhiên việc sơ kết, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiến tiến và thực hiện công tác thi đua khen thưởng còn hạn chế; việc sơ, tổng kết thực hiện Quy chế dân chủ theo từng chuyên đề chưa thực hiện được.

- Một số cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, coi trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chưa quyết liệt, tập trung chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở khi triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại còn hạn chế, chất lượng một số cuộc tiếp xúc đối thoại còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn nhiều khó khăn.

- Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số cơ sở chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, đoàn viên của tổ chức tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế.

3. Giải pháp trong thời gian tiếp theo

Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo và chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành của UBND, sự tham gia của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hai là: Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo nền nếp và những chuyển biến mới, tích cực trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngay từ thôn, bản, tổ dân phố, các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ba là: Phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở. Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện; sơ, tổng kết, kịp thời phát hiện điển hình, khen thưởng động viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến; tạo phong trào sâu rộng, có hiệu quả ở từng loại hình cơ sở.

Bốn là: Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo khi có thay đổi về nhân sự, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và phân công thành viên Ban Chỉ đạo theo dõi theo mảng công việc, theo từng loại hình và trực tiếp phụ trách các chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị cụ thể, rõ ràng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội để thực hiện.

4. Về kiến nghị đề xuất

Thứ nhất: Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh cần quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các huyện, thành phố; quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng cho những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm động viên, khuyến khích, tạo sự lan toả trong các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân.

Thứ hai: Đề nghị HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh, huyện và các xã, thị trấn.

Thứ ba: Đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh tham mưu xây dựng các văn bản nhằm cụ thể hoá những quy định, hướng dẫn của Trung ương theo từng loại hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tiễn để thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.

Trên đây là ý kiến phát biểu tham luận của tôi, cuối cùng xin chúc toàn thể các đồng chí luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

1日当たりのページのアクセス回数: 1,635
1週間当たりののページのアクセス回数: 2,247
1か月当たりのページのアクセス回数: 31,466
1年間当たりのページのアクセス回数: 191,442
ページのアクセス回数 : 581,140