Thế nào là hòa giải ở cơ sở? Hòa giải ở cơ sở có những đặc điểm gì?

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Câu hỏi
Thế nào là hòa giải ở cơ sở? Hòa giải ở cơ sở có những đặc điểm gì?
Trả lời

Theo Từ điển tiếng Việt, hòa giải là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. Quan niệm này nêu lên phương thức và mục đích của hoà giải, nhưng chưa khái quát được bản chất, nội dung và các yếu tố cấu thành các loại hình hoà giải.

Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định: “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”.

* Đặc điểm của hòa giải ở cơ sở

- Đặc điểm chung:

+ Là một phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên theo quy định của pháp luật về hòa giải.

+ Là sự thỏa thuận ý chí, thể hiện quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp.

+ Các bên tranh chấp cần đến một bên thứ ba làm trung gian hòa giải, giúp họ đạt được thỏa thuận, tìm ra được hướng giải quyết tranh chấp, chấm dứt bất đồng, xung đột. Bên thứ ba chính là hòa giải viên, có vai trò trung lập và độc lập với các bên tranh chấp.

- Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên tranh chấp không được trái với quy định của pháp luật, phải phù hợp đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba. Dù thỏa thuận hòa giải thể hiện ý chí tự nguyện của các bên tranh chấp, nhưng nếu thỏa thuận đó vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì không được công nhận.

- Đặc điểm riêng:

+ Hòa giải ở cơ sở được điều chỉnh bởi Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, nhằm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp dân sự (như mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng…) và vi phạm pháp luật trong trường hợp không bị xử lý vi phạm hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự xảy ra trên địa bàn;

+ Tổ hòa giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân, hoạt động trên cơ sở tự nguyện vì mục đích xã hội, vì cộng đồng và phi lợi nhuận; việc hòa giải không thu phí;

+ Hòa giải viên ở cơ sở là người thường trú tại cơ sở, khi hòa giải, hòa giải viên không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật (có quyền giải thích, hướng dẫn các bên vận dụng pháp luật) mà còn dựa vào chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để giúp đỡ, thuyết phục các bên tự thương lượng, thỏa thuận chấm dứt mâu thuẫn, xung đột. Hòa giải viên ở cơ sở không có quyền xét xử như thẩm phán và không được ra phán quyết như trọng tài viên.

+ Cách thức hòa giải ở cơ sở không phải tuân theo trình tự, thủ tục bắt buộc mà tùy thuộc từng vụ việc cụ thể, hòa giải viên linh hoạt hòa giải sao cho phù hợp với đối tượng, tính chất, hoàn cảnh.

Như vậy, có thể hiểu rằng, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn đoàn kết và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, củng cố phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Hoạt động hòa giải được thông qua các hòa giải viên ở các tổ hòa giải

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Tổng số trong ngày: 2,362
Tổng số trong tuần: 2,974
Tổng số trong tháng: 32,193
Tổng số trong năm: 192,169
Tổng số truy cập: 581,867