Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân tự tổ chức và thực hiện, trước hết và chủ yếu là thông qua nhà nước của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, trong một nước dân chủ, nhân dân là người chủ, cán bộ, công chức là đầy tớ và công bộc phục vụ dân, bảo vệ dân. Bao nhiêu lợi ích là của dân, bao nhiêu quyền hành đều thuộc về dân. Quyền hành và lực lượng đều ở trong dân.
Quan hệ giữa nhà nước với công dân biểu hiện qua quan hệ giữa công chức và công dân. Do đó, phải đề cao kỷ luật công vụ và đạo đức công chức để tận tụy phục vụ dân, thực hiện trách nhiệm với dân, sao cho thường xuyên chăm lo phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân và tiết kiệm sức dân như Hồ Chí Minh đã dạy. Ðem lại lợi ích cho dân, thực hiện được quyền lực của dân, làm cho dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, đó là mục tiêu của dân chủ, cũng tức là mục tiêu phát triển đất nước.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu của công cuộc đổi mới, cũng đồng thời là mục tiêu và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Ðại hội VI của Ðảng, chúng ta mới chỉ hình dung đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. Ðại hội VII, đổi mới đã có thêm một mục tiêu công bằng xã hội, trong đó không chỉ có công bằng về phân phối lợi ích mà còn là công bằng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người. Về bản chất, đó cũng chính là dân chủ, là phương diện nhân văn của dân chủ, là quyền sống, quyền được phát triển của con người. Phải đến Ðại hội IX (2001), Dân chủ mới thực sự định hình trong hệ mục tiêu đổi mới, đó cũng là chuỗi giá trị của phát triển: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh để đạt tới tự do và hạnh phúc. Và đến Ðại hội XI, dân chủ là giá trị hàng đầu, là cơ sở để thực hiện bình đẳng và công bằng, để đoàn kết và đồng thuận. Con người chẳng những là mục tiêu và động lực của phát triển mà còn được xác định là trung tâm và chủ thể của phát triển xã hội.

Mục tiêu dân chủ, do đó phải thể hiện trước hết ở dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong chính trị. Cùng với nó còn là dân chủ trong văn hóa, trong phát triển xã hội và quản lý xã hội, hướng trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách xã hội và an ninh xã hội cho con người, vì con người.

Bởi dân chủ là mục tiêu nên ngay khi chính thể dân chủ vừa mới lọt lòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có nhà ở, được học hành, được tự do đi lại, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng quyền tự do mà họ xứng đáng được hưởng với tư cách người chủ. Người còn nói rõ, dân chỉ biết tới tự do, dân chủ khi dân được ăn no, mặc ấm. Nước nhà tranh đấu được độc lập tự do mà dân vẫn đói rét, cực khổ, lạc hậu thì độc lập tự do cũng chẳng để làm gì.

Dân chủ là mục tiêu, do đó phải đặc biệt chăm lo xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước, có luật pháp để thi hành các công việc quản lý và để bảo vệ dân, có nền hành chính công minh bạch để phục vụ dân, không phiền hà sách nhiễu dân, không quan liêu, tham nhũng gây tổn hại tới dân. Nó là những phản cảm xã hội nặng nề nhất, xa lạ và đối lập với dân chủ.

Những thiết chế chính trị trọng yếu nhất như Ðảng và Nhà nước tồn tại cũng chỉ vì dân, vì mục tiêu dân chủ. Những tổ chức, đoàn thể xã hội của dân càng phải tỏ rõ hiệu quả thực tế, gắn bó mật thiết với dân, làm cho dân cảm nhận trực tiếp rằng, nó cần thiết, thực sự cần thiết và hữu ích với mình như thế nào. Chính sách của Ðảng và Nhà nước, theo Hồ Chí Minh là pháp lý, đạo lý và đạo nghĩa lớn nhất. Nó phải tỏ rõ sự quang minh, chính đại, chính tâm và thân dân để thực sự tiến tới dân chủ. Xét trên phương diện văn hóa, mục tiêu dân chủ phải trở thành văn hóa dân chủ, trong đó, quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tổ chức, thiết chế và thể chế phải được bảo đảm bởi các chuẩn mực dân chủ, phải thể hiện cả tính nhân văn và tính pháp lý, trong ứng xử với người, với việc. Ðó chính là tinh thần trọng dân và trọng pháp. Nhà nước pháp quyền bảo đảm cho dân chủ được thể chế hóa và được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, các cấp độ của đời sống. Dân chủ đòi hỏi Nhà nước pháp quyền phải thực sự là của dân, do dân và vì dân. Nếu luật pháp, trật tự, kỷ cương là giới hạn và hành lang vận động của dân chủ thì dân chủ đòi hỏi luật pháp phải tiến bộ, văn minh, được thi hành nghiêm minh và công minh với tất cả mọi người trong xã hội.

Nếu dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước trong tiến trình đổi mới thì đồng thời, mỗi bước tiến trong việc thực hiện mục tiêu dân chủ cũng làm bộc lộ sức mạnh, tác dụng và hiệu quả của dân chủ với tư cách là động lực của phát triển.

Vậy dân chủ là động lực của tiến bộ và phát triển được thể hiện như thế nào? Trước hết là ở chỗ, thực hiện được lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng. Ðó là lợi ích kinh tế - vật chất và cùng với nó là lợi ích văn hóa, tinh thần. Nó là ngọn nguồn dẫn tới tính tích cực lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển xã hội nói chung. Nó làm giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ tình trạng tha hóa lao động, tha hóa đạo đức và lối sống. Nhờ dân chủ trong các quan hệ lợi ích mà xã hội có thể ra khỏi tình trạng sức ỳ, sự trì trệ trong sản xuất - kinh tế, trong hoạt động kinh doanh, thúc đẩy năng suất, chất lượng, hiệu quả, vì lợi ích cá nhân và cũng vì lợi ích cộng đồng. Kinh tế thị trường cùng với kinh tế tri thức là tác nhân kinh tế quan trọng nhất để phát triển dân chủ đồng thời dân chủ trở thành những xung lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về cả tốc độ, quy mô và chất lượng trong nền kinh tế thị trường. Thể chế dân chủ, các chính sách dân chủ (quy chế và pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, nhất là ở nông thôn) thúc đẩy thái độ và hành vi của từng cá nhân, của cộng đồng trong đổi mới, phát triển và hiện đại hóa.

Thực tế đã cho thấy, dân chủ có vai trò quan trọng không thể thiếu để nước ta chuyển từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp hiện đại và văn minh. Vì sao vậy? Vì con người là nhân tố cơ bản nhất, có mặt trong cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Muốn giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất để trên cơ sở ấy từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới, tiến bộ, phù hợp trình độ của lực lượng sản xuất thì phải giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của con người và xã hội, phải nâng cao đời sống, chất lượng sống và trình độ của người dân. Dân chủ thúc đẩy sự biến đổi và phát triển, khai thông các nguồn lực, nhân lên sức mạnh của nội lực và ngoại lực để phát triển.

Ðộng lực dân chủ không chỉ biểu hiện ở kinh tế mà còn biểu hiện ngày càng rõ hơn ở chính trị, khi quyền lực và ý chí của nhân dân được thực hiện thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện với cơ chế bầu cử dân chủ, với thể chế rõ ràng, công khai, minh bạch. Một khi tiếng nói của người dân được tôn trọng, dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng lợi ích mà còn là chủ thể tham gia đánh giá chính sách, giám sát và kiểm tra việc thực hiện chính sách cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền nói chung - nghĩa là người dân chủ động và tự giác tham chính - thì dân chủ chính trị sẽ tỏ rõ sức mạnh động lực của nó với tiến bộ và phát triển xã hội. Môi trường xã hội dân chủ sẽ làm hình thành dư luận xã hội tích cực, thúc đẩy hành động sáng tạo của đông đảo quần chúng để bảo vệ chế độ, bảo vệ Ðảng và Nhà nước, chống lại những hành vi phản dân chủ. Chỉ có thực hành dân chủ rộng rãi, dựa hẳn vào sức mạnh, ý chí của dân mới có thể chống được tham nhũng. Ðó là sự phát huy tốt nhất vai trò động lực của dân chủ trong tình hình hiện nay ở nước ta.

Xây dựng con người, phát triển văn hóa, thực hiện quốc sách hàng đầu với giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, nhất là thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân nhằm chấn hưng đạo đức dân tộc, làm cho gia đình thực sự là những tế bào lành mạnh của xã hội, tạo ra đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao không thể không tính đến vai trò động lực của dân chủ.

Hai vấn đề quan trọng nhất được đặt ra về vật chất và tinh thần, đó là thoát ra khỏi đói nghèo, lạc hậu và tôn trọng giá trị nhân cách con người. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và những cơ chế mới để phát huy dân chủ trong xã hội đang từng bước được xây dựng và phát triển có thể đáp ứng tốt nhất những điều kiện ấy, tất cả vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của con người.

Ði vào kinh tế thị trường và xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân được phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, còn công chức chỉ làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi người được khuyến khích làm giàu theo pháp luật, bằng lao động của mình. Thực tế quá trình đổi mới cho thấy, kinh tế tư nhân tỏ rõ là một động lực của phát triển kinh tế và được khuyến khích phát triển mạnh mẽ, lâu dài. Nhà nước chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội và an sinh xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, bằng các biện pháp điều tiết để chăm lo cho các đối tượng yếu thế, thua thiệt trong phát triển để bảo đảm công bằng xã hội. Luật pháp và đạo đức là hai cột chống đỡ để giữ cho xã hội lành mạnh, giảm thiểu mạnh mẽ những tổn thương và hệ lụy do mặt trái của kinh tế thị trường gây ra. Sức mạnh ấy có được từ dân chủ, xét trên toàn cảnh xã hội.

Với cá nhân từng người, dân chủ là động lực mạnh mẽ để thực hiện tự do tư tưởng, hình thành nhân cách trung thực và sáng tạo. Dân chủ là chất dinh dưỡng và sinh khí tốt nhất cho sự nuôi dưỡng và phát triển các tài năng, cho sự hình thành nhân cách làm người, khắc phục triệt để tình trạng phân thân, giả dối, xu thời, cơ hội làm lệch lạc, biến dạng nhân cách do thiếu vắng hoặc yếu kém về dân chủ gây ra. Phải đặc biệt chú trọng vượt qua điểm nghẽn này, nhất là đối với lớp trẻ đang trong quá trình hình thành và trưởng thành về nhân cách. Chính ở đây, dân chủ trong ứng xử, đối xử với con người, trong giáo dục đạo đức và lối sống, trong tổ chức đời sống và quản lý xã hội nổi bật vai trò, tác dụng động lực của nó như một đột phá. Trong chính sách dùng người, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phát hiện và trọng dụng nhân tài, trọng đãi hiền tài vì sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc, muốn có đột phá phải trên nền tảng dân chủ mà cốt lõi của nó là tôn trọng giá trị nhân cách con người, tin cậy năng lực, quý trọng phẩm giá, khách quan công bằng trong đánh giá và sử dụng cán bộ, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để con người tận tụy hết mình trong công việc, trong sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Thực hành dân chủ là thực hành trong các mối quan hệ. Thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trong Ðảng, là làm cho động lực dân chủ, văn hóa dân chủ phát huy tác dụng của nó trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các mối quan hệ con người để phát triển dân chủ thực chất, khắc phục dân chủ hình thức, chống lại những vi phạm dân chủ và quyền làm chủ của người dân, chống quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng có hiệu quả rõ rệt nhất. Ðây cũng là đường hướng chủ đạo thuộc về tầm nhìn và hành động của Ðảng theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XI về dân chủ ở nước ta. Một cách thiết thực và cụ thể, mọi nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân đều hướng vào phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân, tiết kiệm sức dân, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền để phát huy tốt nhất sức mạnh của dân chủ trong công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
GS.TS Hoàng Chí Bảo
(Theo www.nhandan.org.vn)

Total visited in day: 1,887
Total visited in Week: 2,499
Total visited in month: 31,718
Total visited in year: 191,694
Total visited: 581,392