Luật hòa giải quy định thế nào về hòa giải viên?

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Câu hỏi
Luật hòa giải quy định thế nào về hòa giải viên?
Trả lời

Thực tiễn thời gian qua đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của hòa giải viên trong đời sống cộng đồng. Việc quy định tiêu chuẩn hòa giải viên trong Luật nhằm đòi hỏi hòa giải viên phải có đủ điều kiện đáp ứng với hoạt động hòa giải trong tình hình mới, đồng thời, qua đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc nâng cao năng lực cho hòa giải viên. Hòa giải viên là người được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở để thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Tiêu chuẩn hòa giải viên:

Theo Luật Hòa giải ở cơ sở, người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

+ Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

+ Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

Luật Hòa giải ở cơ sở quy định tiêu chuẩn ”có hiểu biết pháp luật” vì trong điều kiện hiện nay, các mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng đa dạng và phức tạp; trình độ dân trí ngày một nâng lên, đòi hỏi hòa giải viên không chỉ có uy tín, đạo đức, khả năng thuyết phục mà phải hiểu biết pháp luật mới có thể giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn các bên trong quá trình hòa giải ở cơ sở. Mặt khác, có hiểu biết pháp luật sẽ giúp hòa giải viên tự tin, bản lĩnh trong việc thực hiện nhiệm vụ, kết quả hòa giải mới có chất lượng, hiệu quả, đồng thời, có hiểu biết pháp luật là cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ hòa giải viên đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, Luật không quy định cụ thể tiêu chuẩn về bằng cấp chuyên môn về luật đối với hòa giải viên do phạm vi hòa giải ở cơ sở không đòi hỏi hòa giải viên phải am hiểu sâu về pháp luật mà chủ yếu cần có hiểu biết pháp luật nhất định để biết vận dụng quy định pháp luật trong thực hiện hòa giải, có thể giải thích, hướng dẫn các bên ứng xử phù hợp với pháp luật.

- Bầu, công nhận hòa giải viên:

Theo Luật Hòa giải ở cơ sở, việc bầu, công nhận hòa giải viên được thực hiện như sau:

+ Công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật, có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.

+ Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức sau đây: Biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình hoặc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.

+ Kết quả bầu hòa giải viên:

Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý;

Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp;

Trường hợp số người được bầu không đủ để thành lập tổ hòa giải thì tổ chức bầu bổ sung cho đủ số lượng;

Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.

Thủ tục bầu hòa giải viên đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 12 Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở (gọi tắt là Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN).

Việc bầu hòa giải viên thể hiện tính dân chủ ở cơ sở, theo đó người dân được trực tiếp lựa chọn, bầu ra những người có uy tín, đủ độ tin cậy để giữ vai trò trung gian, hướng dẫn các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Mặt khác, hòa giải viên được người dân lựa chọn, bầu lên sẽ làm tăng trách nhiệm của hòa giải viên đối với cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức bầu hòa giải viên, đúng với bản chất của hòa giải ở cơ sở là hoạt động xã hội, xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, do nhân dân tổ chức thực hiện.

Total visited in day: 1,698
Total visited in Week: 2,310
Total visited in month: 31,529
Total visited in year: 191,505
Total visited: 581,203