Khi tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục vận động các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp cần bảo đảm những yếu tố nào?

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Câu hỏi
Khi tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục vận động các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp cần bảo đảm những yếu tố nào?
Trả lời

Tư vấn pháp luật là hoạt động giải đáp pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức, đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn các bên xử sự phù hợp với pháp luật.

Việc đề xuất phương án tư vấn phù hợp là kết quả của một quá trình tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng, chính xác nội dung vụ việc. Để tư vấn cho các bên cách giải quyết tranh chấp phù hợp với quyền và lợi ích của các bên tranh chấp và đảm bảo đúng quy định pháp luật, hòa giải viên cần vận dụng tốt các kỹ năng tiếp cận đối tượng để nắm bắt thông tin về vụ, việc hòa giải và nhu cầu của các bên; xem xét, xác minh vụ, việc; tìm mâu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, nguyên nhân chủ yếu; kỹ năng tra cứu pháp luật, tài liệu tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trên cơ sở các thông tin thu thập được và nghiên cứu các quy định của pháp luật, các phong tục, tập quán tốt đẹp liên quan đến vụ việc, hòa giải viên nên dự kiến trước các phương án tư vấn cho các bên tranh chấp đảm bảo được quyền và lợi ích cho hai bên, phân tích, đánh giá ưu điểm, hạn chế của các phương án để đưa ra, gợi ý phương án tư vấn phù hợp nhất cho các bên.

Tại buổi hòa giải, hòa giải viên chỉ gợi ý giải pháp khi các bên tranh chấp không đưa ra được phương án giải quyết hoặc phương án do các bên đưa ra không đúng pháp luật, khó khả thi trên thực tế. Đồng thời, hòa giải viên phải phân tích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong vụ việc, hành vi nào các bên được làm và những hành vi nào pháp luật cấm; phân tích những hành vi nào phù hợp với pháp luật, với đạo đức xã hội và hành vi nào trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội, nêu rõ hậu quả pháp lý mà các bên phải gánh chịu nếu tiếp tục tranh chấp và đưa ra định hướng giải quyết tranh chấp để các bên xem xét, thảo luận, tự lựa chọn và quyết định.

Tuy nhiên làm sao để truyền đạt được đầy đủ ý nghĩa, ưu điểm của giải pháp, hướng dẫn, giải thích rõ ràng, chi tiết cho các bên về phương án giải quyết vụ việc đòi hỏi hòa giải viên phải nghiên cứu về cách trình bày các giải pháp trước hai bên sao cho rõ ràng, trung thực, thuyết phục đảm bảo căn cứ pháp lý rõ ràng, đầy đủ lý lẽ, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá của mình là xác đáng. Đồng thời, hòa giải viên phải vận dụng tốt kỹ năng thuyết phục, vận động các bên.

Thuyết phục các bên tự nguyện thoả thuận, giải quyết tranh chấp là nghệ thuật hoà giải, đòi hỏi hoà giải viên phải có kiến thức pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tranh chấp, có kỹ năng hoà giải, có uy tín, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm cuộc sống, biết vận dụng pháp luật và đạo đức xã hội để thuyết phục các bên đi đến thoả thuận giải quyết tranh chấp. Thuyết phục các bên tự nguyện giải quyết tranh chấp được hoà giải viên thực hiện trong suốt quá trình hoà giải. Về thực chất, thuyết phục là việc hòa giải viên đưa ra lời khuyên, hướng dẫn cách ứng xử (nên làm gì và không nên làm gì) để các bên chấp nhận, đồng ý những lời khuyên của hòa giải viên, tự lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp một cách tốt nhất.

Muốn thực hiện tốt việc thuyết phục các bên, trước hết hoà giải viên cần phải đưa ra giải pháp, phương án… để tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột; trong đó xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong vụ việc, hành vi nào các bên được làm và những hành vi nào pháp luật cấm; phân tích những hành vi nào phù hợp với pháp luật, với đạo đức xã hội và hành vi nào trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội, nêu rõ hậu quả pháp lý mà các bên phải gánh chịu nếu tiếp tục tranh chấp và đưa ra định hướng giải quyết tranh chấp để các bên xem xét, thảo luận, tự lựa chọn và quyết định. Một điều quan trọng là trong quá trình hòa giải, hòa giải viên cần phải luôn kết hợp cả tình và cả lý để phân tích, giải thích, thuyết phục các bên tranh chấp hòa giải với nhau. Muốn thuyết phục các bên tranh chấp thương lượng thành công, đạt được thỏa thuận, hòa giải viên cần lưu ý một số điểm sau:

- Luôn thông cảm và tôn trọng đối tượng: Khi phân tích, giải thích cho các bên biết hành vi của họ là đúng hay sai, hòa giải viên cần phải xây dựng không khí gần gũi và tin tưởng, cảm thông và tôn trọng đối tượng, luôn có thái độ ân cần, chia sẻ, nhiệt tình, cần phải làm cho không khí nói chuyện được vui vẻ, chan hòa. Như vậy, đối tượng sẽ lắng nghe ý kiến thuyết phục của hòa giải viên. Khi thuyết phục đối tượng mà nói được những suy nghĩ, trăn trở của họ, dễ đạt được kết quả mong muốn. Muốn thế mọi lý lẽ, thuyết phục của hòa giải viên phải xuất phát từ lập trường của các bên tranh chấp mà suy nghĩ và đặt vấn đề, đưa ra giải pháp tối ưu cho các bên tranh chấp, hợp tình, hợp lý. Nếu hòa giải viên không biết tôn trọng đối tượng, ra vẻ ta đây hơn người, chì chiết, mang tính dạy bảo thì chắc chắn cuộc hòa giải sẽ không thành công.

- Khơi gợi cho các bên tranh chấp những tình cảm tốt đẹp vốn có giữa họ  (tình cảm gia đình, tình cảm hàng xóm, tình cảm bạn bè…) để họ dễ thông cảm cho nhau.

- Đưa ra những chứng cứ, ví dụ cụ thể: Điều thuyết phục đối tượng tốt nhất là hòa giải viên cần đưa ra được những ví dụ, những chứng cứ minh họa cụ thể cho phân tích, lập luận của mình.

- Cần phải kiên trì thuyết phục, không nên nôn nóng: hòa giải viên cần phải suy nghĩ chín chắn, đắn đo câu nói, nói cái gì trước, cái gì sau, điều gì không nên nói. Ngoài ra, cần phải bình tĩnh, kiên trì giải quyết từng bước, nhất là đối với những người có thái độ ngoan cố.

Total visited in day: 2,476
Total visited in Week: 3,088
Total visited in month: 32,307
Total visited in year: 192,283
Total visited: 581,981