Hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được quy định như thế nào?

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Câu hỏi
Hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được quy định như thế nào?
Trả lời

- Nội dung, nguyên tắc hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở

Kinh phí chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở được quy định tại Điều 6 Luật Hòa giải ở cơ sở, Điều 12, 13 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP. Trên cơ sở quy định của Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 39/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung nội dung, mức chi cho công tác hòa giải tại mục 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND. Công văn số 756/STC-QLNS ngày 24/5/2017 của Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang về việc hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và trình tự, thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo đó:

Với tính chất là hoạt động tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư, nếu Nhà nước bao cấp hoàn toàn cho hoạt động này thì sẽ làm mất đi tính xã hội hóa, tính tự nguyện, tự quản, đi ngược lại với bản chất của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Do đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở như: văn phòng phẩm, phô tô tài liệu…

- Nội dung hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải và hòa giải viên:

+ Chi hỗ trợ cho tổ hòa giải để mua văn phòng phẩm; mua, sao chụp tài liệu phục vụ hoạt động hòa giải; tổ chức các cuộc họp, sơ kết, tổng kết hoạt động của tổ hòa giải; mức hỗ trợ 100.000đ/tổ/tháng.

+ Chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc; chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải; mức hỗ trợ 200.000đ/vụ việc.

- Về điều kiện được hưởng thù lao và thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên

- Điều kiện được hưởng thù lao của hòa giải viên:

Theo Điều 14 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, hòa giải viên được hưởng thù lao cả trong trường hợp hòa giải thành và hòa giải không thành. Để được hỗ trợ thù lao, hòa giải viên phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc theo quy định tại Điều 23 của Luật Hòa giải ở cơ sở, cụ thể kết thúc khi các bên đạt được thỏa thuận; hoặc khi một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải; hoặc khi hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

Thứ hai, hòa giải viên không vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.

- Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên:

Theo Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên như sau:

+ Tổ trưởng tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của hòa giải viên; tên, địa chỉ tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của hòa giải viên; chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải và xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua tổ hòa giải; trường hợp quyết định không thanh toán cho hòa giải viên thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

+ Tổ hòa giải thực hiện trả thù lao cho hòa giải viên theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được thù lao.

- Về việc hỗ trợ hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hòa giải

- Các khoản hỗ trợ:

Theo Điều 17 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, hòa giải viên bị tai nạn hoặc rủi ro làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi đang thực hiện hòa giải hoặc trên đường đi và về từ nơi ở đến địa điểm thực hiện hòa giải trên tuyến đường và trong khoảng thời gian hợp lý, sẽ được hỗ trợ các khoản sau:

+ Chi phí cần thiết, hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; nếu thu nhập thực tế của hòa giải viên không ổn định hoặc không thể xác định được thì áp dụng cách tính theo thu nhập bình quân hàng ngày của người làm công ăn lương chia theo khu vực thành thị, nông thôn, loại hình kinh tế ngoài nhà nước trong thời gian cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút.

Gia đình của hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được hỗ trợ một lần bằng tiền để chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc hòa giải viên trước khi chết; người tổ chức mai táng được hỗ trợ chi phí cho việc mai táng

- Thủ tục thực hiện hỗ trợ:

Hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định công nhận hòa giải viên.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện kèm theo hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc chi tiền hỗ trợ.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được lập thành 01 bộ, bao gồm:

+ Giấy đề nghị hỗ trợ của hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng có xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại là tổ trưởng tổ hòa giải. Giấy đề nghị hỗ trợ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu hỗ trợ; lý do yêu cầu hỗ trợ;

+ Biên bản xác nhận tình trạng của hòa giải viên bị tai nạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc cơ quan công an nơi xảy ra tai nạn (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);

+ Giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);

+ Văn bản, giấy tờ hợp lệ về thu nhập thực tế theo tiền lương, tiền công hằng tháng của người bị tai nạn có xác nhận của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp), bao gồm: Hợp đồng lao động, quyết định nâng lương của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động hoặc bản kê có thu nhập thực tế của hòa giải viên bị tai nạn và các giấy tờ chứng minh thu nhập thực tế hợp pháp khác (nếu có);

+ Giấy chứng tử (nay là trích lục về việc khai tử) trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp).

1日当たりのページのアクセス回数: 2,659
1週間当たりののページのアクセス回数: 3,271
1か月当たりのページのアクセス回数: 32,490
1年間当たりのページのアクセス回数: 192,466
ページのアクセス回数 : 582,164