Chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở?

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Câu hỏi
Chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở?
Trả lời

Thể chế hóa chủ trương xã hội hóa của Nhà nước đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, chi phối và ảnh hưởng đến tổng thể các mối quan hệ, các nội dung được điều chỉnh trong Luật. Việc hình thành một chính sách phù hợp, đồng bộ, thống nhất có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết những khó khăn, hạn chế của công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay cũng như thúc đẩy và tăng cường công tác này trong thời gian tới. Luật Hòa giải ở cơ sở bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, trong đó khuyến khích các bên giải quyết vi phạm pháp luật và tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác trong nhân dân; khuyến khích những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tích cực tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài đóng góp và hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở phát triển.

Chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở được quy định gồm:

- Khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác. Đây là chính sách nhằm khuyến khích người dân ở cơ sở khi có mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nên dùng biện pháp hòa giải khi chưa cần thiết phải đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết như Tòa án, trọng tài... với mục đích giữ gìn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của người dân và Nhà nước. Hơn nữa, yêu cầu của cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể để bảo đảm ngày càng cao hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”. Chính sách này là cơ sở khuyến khích người dân tích cực tham gia hoạt động hòa giải và xác định rõ vai trò tự quản, tự giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ của nhân dân tại cộng đồng dân cư hiện nay.

Khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác. Quy định này nhằm phát huy, huy động người có uy tín, tâm huyết tham gia hòa giải ở cơ sở, đồng thời tạo điều kiện để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

- Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở. Quy định này thể hiện đúng bản chất của hòa giải ở cơ sở là tự nguyện, tự quản. Vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thể hiện rõ nét trong các quy định về tham gia quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; bầu/lựa chọn hòa giải viên; cho thôi làm hòa giải viên; thành lập tổ hòa giải... Quy định này đã thể hiện tinh thần dân chủ mạnh mẽ, đề cao vai trò quan trọng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

 - Tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Các chính sách nêu trên đã thể hiện rõ quan điểm xã hội hóa mạnh mẽ công tác hòa giải ở cơ sở. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, giữ vai trò hỗ trợ về cơ chế, chính sách, kinh phí, không can thiệp sâu vào hoạt động hoà giải ở cơ sở, không hành chính hóa để hoạt động hòa giải ở cơ sở đúng là hoạt động tự quản của nhân dân, do nhân dân tự quyết định.

Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, Điều 3 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chính sách đối với tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, cụ thể:

- Được Nhà nước cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan;

- Được khen thưởng khi có đóng góp, hỗ trợ tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định;

- Tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác về pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật hỗ trợ tài liệu phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hòa giải viên; tạo điều kiện cho thành viên, hội viên của tổ chức mình tham gia hòa giải ở cơ sở thì được khen thưởng theo quy định.

Total visited in day: 2,077
Total visited in Week: 2,689
Total visited in month: 31,908
Total visited in year: 191,884
Total visited: 581,582