Các trường hợp nào không được hòa giải theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013?

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Câu hỏi
Các trường hợp nào không được hòa giải theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013?
Trả lời

Để giúp các hòa giải viên thuận lợi trong việc nhận biết các vụ việc thuộc hay không thuộc phạm vi hòa giải, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP cũng nêu rõ các trường hợp không hòa giải bao gồm:

- Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

Ví dụ: Năm 2012, để mở rộng đường liên huyện, nhà nước có thu hồi đất của một số hộ gia đình ven đường, trong đó có hộ bà X. Sau khi làm đường, phía trước nhà bà X vẫn còn khoảng 8m2 đất không sử dụng hết và bị bỏ hoang. Tận dụng khoảng đất này, bà X bắn mái tôn mở quán bán trà đá, ông P cũng che một mái lều nhỏ làm quán sửa xe máy trên đó. Giữa ông P và bà X thường xuyên cãi cọ, lời ra tiếng vào, thậm chí có xô xát lẫn nhau. Trong trường hợp này, hành vi của bà X và ông P đều là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của nhà nước nên không được tiến hành hòa giải.

- Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

 Ví dụ: Chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật nên hòa giải viên không được hòa giải để các bên tự giải quyết, duy trì quan hệ hôn nhân và gia đình trái pháp luật đó, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật[1] hoặc trái đạo đức xã hội[2] (như các giao dịch mua bán chất ma túy, mại dâm…) thì không được hòa giải nhằm mục đích để các bên tiếp tục thực hiện giao dịch đó.

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp trừ trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP.

Ví dụ: Bùi Văn Q (22 tuổi) và Nguyễn V (23 tuổi) có mâu thuẫn từ trước vì Q quen với bạn gái của V là Nguyễn Thanh C. Ngày 02/6/2019, V gọi điện thoại hẹn Q đến quán cà phê X để nói chuyện riêng và được Q đồng ý. Tại đây, hai bên nói chuyện được một lúc thì xảy ra xung đột, V đã dùng tay tát Q một cái và yêu cầu Q tránh xa bạn gái mình. Lợi dụng lúc V quay lại xe bỏ đi, Q lao đến và rút dao thủ sẵn trong người đâm V. Rất may, có người đi qua phát hiện và đưa V đi cấp cứu kịp thời, hậu quả V bị thương tật 35%.

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính (bao gồm: bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính), trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP.

Ví dụ: Ông A có mảnh đất ở diện tích 200m2 (chiều ngang 10m, chiều dài 20m) tại thành phố H. Tháng 01/2019, ông A có xin giấy phép xây dựng nhà ở với chiều ngang 8m, chiều dài 14m. Khi chuẩn bị khởi công thì con ông A đi xem và thầy phong thủy nói chiều dài tốt nhất là 15m9. Cho rằng, nếu có tăng thêm chiều dài thì vẫn nằm trên đất hợp pháp, không có tranh chấp nên ông A không xin điều chỉnh Giấy phép xây dựng mà tự ý cho xây dựng với chiều dài nhà 15m9. Trường hợp này, việc làm của ông đã vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP với mức xử phạt tiền quy định  từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

- Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở bao gồm: Hòa giải tranh chấp về thương mại và hòa giải tranh chấp về lao động, do việc hòa giải các tranh chấp này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thương mại và lao động.

Trong trường hợp xác định vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải, thì hòa giải viên giải thích cho các bên về lý do không hòa giải và hướng dẫn các bên làm thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Ví dụ: Khi bị anh T nhiều lần đòi số tiền 500 triệu đồng đã cho vay và mặc dù biết con gái là chị Ph đã có người yêu, vợ chồng ông H vẫn bắt Ph lấy anh T để trừ nợ, có đăng ký kết hôn ở UBND xã. Do hôn nhân không được xây dựng trên cơ sở tình yêu, tự nguyện quyết định nên dù mới chỉ kết hôn một thời gian ngắn, chị Ph đã cảm thấy cuộc sống bế tắc. Theo lời khuyên của một người bạn, chị Ph đã nhờ tổ hòa giải giúp đỡ để ly hôn với anh T.

Trường hợp này, việc kết hôn giữa anh T và chị Ph là trái pháp luật do chị Ph bị cưỡng ép kết hôn. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 29, khoản 2 Điều 35 và điểm g khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015, tòa án nhân dân cấp huyện nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, thì vụ việc không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Do đó, hòa giải viên cần từ chối tiến hành hòa giải dựa trên căn cứ pháp luật nêu trên, đồng thời hướng dẫn chị Ph đến Tòa án nhân dân huyện để được giải quyết theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

* Lưu ý: Trong trường hợp không xác định được vụ, việc có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không thì hòa giải viên đề nghị công chức Tư pháp - Hộ tịch hướng dẫn.

[1] Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. (Điều 123 Bộ luật dân sự 2015)

[2] Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. (Điều 123 Bộ luật dân sự 2015)

Total visited in day: 2,377
Total visited in Week: 2,989
Total visited in month: 32,208
Total visited in year: 192,184
Total visited: 581,882