Các mâu thuẫn, tranh chấp nào được tiến hành hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật?

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Câu hỏi
Các mâu thuẫn, tranh chấp nào được tiến hành hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật?
Trả lời

Khi tiến hành hòa giải ở cơ sở thì xác định phạm vi hòa giải ở cơ sở cần bảo đảm các vấn đề sau:

- Việc hòa giải ở cơ sở không được ảnh hưởng đến quá trình cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật, không được lợi dụng hòa giải ở cơ sở để trốn tránh trách nhiệm hành chính, hình sự.

- Đối tượng của hòa giải ở cơ sở là các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm mà theo quy định của pháp luật chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính.

- Hòa giải ở cơ sở nhằm góp phần làm giảm nguy cơ phát sinh phức tạp từ các mâu thuẫn, tranh chấp; hướng đến xây dựng lối sống văn hóa, chia sẻ, đoàn kết trong cộng đồng dân cư; hạn chế các vụ, việc phải đưa đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Bao quát các vấn đề phát sinh cần được hòa giải ở cơ sở ngay cả thời điểm hiện tại cũng như sẽ xảy ra trong tương lai để có thể điều chỉnh các mâu thuẫn, tranh chấp có tính đa dạng, linh hoạt thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến đời sống hàng ngày của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ cấu dân cư, điều kiện kinh tế xã hội, vị trí địa lý vùng miền…

Theo Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật. Cụ thể và quy định chi tiết Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở, bên cạnh việc quy định phạm vi hòa giải theo hướng loại trừ, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định rõ những trường hợp được tiến hành hòa giải và những trường hợp không được tiến hành hòa giải. Cụ thể:

Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

- Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

Ví dụ: Nhà ông A và nhà bà B ở cùng khu tập thể. Nhà ông A ở tầng 1, bà B ở tầng 3. Bà B có trồng mấy chậu hoa ở ban công. Mỗi khi bà tưới hoa, nước lại chảy từ các chậu cây xuống nhà ông A. Mặc dù ông A đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng bà B không tiếp thu, vẫn để nước chảy xuống nhà ông A. Giữa hai bên thường xuyên to tiếng, cãi vã nhau vì chuyện này, gây mất trật tự trong khu tập thể.

- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất.

Ví dụ: Ông A có 5 người con. Ông A tử vong đột ngột không kịp để lại di chúc chia tài sản cho các con. Sau khi lo hậu sự cho bố xong, 5 người con của ông A không thống nhất được việc chia tài sản thừa kế nên nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp.

- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha, mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn.

Ví dụ: Bà A đã 80 tuổi, sống với vợ chồng anh B (là con trai cả). Tuy nhiên, do vợ anh B thường nói hỗn và đối xử không tốt với bà A nên cô C, con gái bà A muốn đón bà về ở với vợ chồng cô. Khi cô C tới nói chuyện thì vợ chồng anh B đã phản đối rất gay gắt, họ cho rằng cô C đón bà về nuôi là mong sau này bà để lại thừa kế ngôi nhà mà vợ chồng anh đang ở. Vợ anh B còn khoá cổng lại, không cho bà A ra ngoài gặp con gái. Mâu thuẫn giữa vợ chồng anh B và cô C ngày càng gay gắt.

Đối với việc ly hôn, hoà giải viên thực hiện việc hoà giải, giúp đôi vợ, chồng tự hàn gắn tình cảm, giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà không được phép giải quyết, phân xử việc ly hôn: cho vợ, chồng ly hôn hay ép buộc họ không được ly hôn.

- Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính:

Hoà giải viên thực hiện hoà giải những việc như trộm cắp vặt (rau, quả trong vườn, một số đồ dùng sinh hoạt có giá trị không lớn), đánh, chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ, lừa đảo, đánh bạc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính.

- Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây thì hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, cụ thể là:

+ Trường hợp không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (được thay thế bằng Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Hòa giải viên được tiến hành hòa giải đối với vi phạm pháp luật hình sự mà không bị khởi tố vụ án do có một trong các căn cứ như hành vi không cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: A - 11 tuổi có hành vi trộm cắp điện thoại di động của ông B, vì A có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng A chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên thuộc trường hợp không bị khởi tố hình sự, hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải vụ, việc này.

+ Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (được thay thế bằng quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (được thay thế bằng quy định tại khoản 1 Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính.

- Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

Total visited in day: 1,736
Total visited in Week: 2,348
Total visited in month: 31,567
Total visited in year: 191,543
Total visited: 581,241